Lời lỗ công ty chứng khoán: Không cứ công ty to là lãi đẹp

Kết quả kinh doanh quý 2/2016 của nhiều công ty chứng khoán cho thấy, không phải cứ công ty chứng khoán lớn là có báo cáo tài chính “đẹp”.

Công ty Chứng khoán VNDirect mới đây công bố kết quả kinh doanh quý 2/2016 khá ấn tượng với doanh thu tăng đáng kể so với cùng kỳ, đặc biệt là ở mảng tự doanh chứng khoán. Với vị thế là công ty luôn nằm trong tốp đầu về thị phần môi giới, doanh thu từ mảng môi giới chứng khoán của VNDirect đạt 46,32 tỷ đồng, tăng 43%, doanh thu khác đạt 90,49%, tăng 51%, đặc biệt, doanh thu tự doanh đạt 70 tỷ đồng, tăng mạnh 225% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 65 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2015.

Đối thủ lớn nhất của VNDirect trong việc giành thị phần môi giới chứng khoán là Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh báo cáo riêng quý 2/2016 và 6 tháng đầu năm. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận trước thuế quý 2/2016 của SSI lần lượt đạt 626 tỷ đồng và 360,4 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, SSI ghi nhận khoản doanh thu hơn 999 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 494,7 tỷ đồng. Dự kiến lợi nhuận hợp nhất cho 6 tháng đầu năm của Công ty đạt khoảng 523 tỷ đồng.  Doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán đạt gần 92 tỷ đồng trong quý 2/2016, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2015. Cùng với kết quả đó, SSI tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về dịch vụ môi giới trên cả 2 sàn  HOSE và HNX với thị phần lần lượt là 14,21% và 11,76%. Đáng chú ý, thị phần môi giới chứng khoán của SSI tại HOSE đã vươn lên mức cao nhất trong lịch sử giao dịch 5 năm trở lại đây.

Lời lỗ công ty chứng khoán: Không cứ công ty to là lãi đẹp - 1

Một công ty chứng khoán lớn khác là CTCK thành phố Hồ Chí Minh (HSC), báo cáo tài chính quý 2/2016 của công ty cho thấy doanh thu tăng mạnh 143% so với cùng kỳ, đạt 195 tỷ đồng. Doanh thu lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 361 tỷ đồng, tăng 125% so với 6 tháng đầu năm 2015. Lợi nhuận trước thuế trong quý 2 đạt 102 tỷ đồng, tăng 154%, lũy kế lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 183 tỷ đồng, tăng 145%. Riêng trong quý 2, HSC đạt 82 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 157%, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 147 tỷ đồng, tăng 150%.

Không có thị phần lớn như các “ông lớn” kể trên, một công ty chứng khoán quy mô nhỏ là CTCK Trí Việt cũng công bố kết quả kinh doanh quý 2 khá ấn tượng. Báo cáo tài chính quý 2/2016 của Công ty cho thấy lợi nhuận kế toán sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty đạt 4,73 tỷ đồng, tăng 260% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Trí Việt, tổng doanh thu quý 2/2016 của Trí Việt tăng 4,30 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu là do doanh thu phí môi giới tăng. Trong khi đó, lợi nhuận kế toán trước thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 2,91 tỷ đồng là do sự biến động tăng doanh thu lớn hơn sự biến động tăng chi phí so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, lợi nhuận kế toán sau thuế tăng 2,91 tỷ đồng, tương ứng tăng 260% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong khi đó, một công ty chứng khoán lớn là CTCK Vietcombank (VCBS) lại có kết quả kinh doanh quý 2 không mấy khả quan với lợi nhuận trước và sau thuế cùng giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái và lần lượt đạt 27,50 tỷ đồng và 22,52 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động quý 2 đạt 85,36 tỷ đồng, giảm 64%, còn doanh thu hoạt động tài chính chỉ đạt mức 184 triệu đồng, giảm 46% so với cùng kỳ. Theo ông Lê Việt Hà, Phó Giám đốc VCBS, nguyên nhân chính của sự sụt giảm lợi nhuận quý 2 so với cùng kỳ năm trước là do doanh thu từ hoạt động bảo lãnh phát hành sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, do doanh thu suy giảm làm chi phí lương giảm dẫn tới chi phí quản lý công ty chỉ bằng 43% (12,8 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước.

Một CTCK thuộc ngân hàng lớn khác là CTCK Ngân hàng BIDV (BSC) cũng có kết quả kinh doanh quý 2 không mấy thuận lợi với mức lợi nhuận sau thuế giảm 46% so với cùng kỳ, đạt 25,8 tỷ đồng. Theo ông Đỗ Huy Hoài, Tổng Giám đốc BSC cho biết, hoạt động tự doanh chứng khoán của công ty sụt giảm một cách đáng kể, chênh lệch lãi suất huy động tự doanh quý 2/2016 giảm 55% so với quý 2/2015. Với mục tiêu bảo toàn vốn, BSC đã thu hẹp lại danh mục đầu tư vốn, lựa chọn đầu tư mã cổ phiếu an toàn nên thực hiện hoàn nhập chi phí dự phòng 2,6 tỷ đồng, trong khi đó quý 2/2015 công ty đã hoàn nhập dự phòng 1,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, mảng tự doanh trái phiếu của công ty hoạt động khá ổn định và tăng trưởng tốt. Doanh thu môi giới quý 2 của công ty cũng tăng 21% so với cùng kỳ, nhưng doanh thu hoạt động tài chính sụt giảm đáng kể khi chỉ đạt 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, CTCK Ngân hàng Á Châu (ACBS) công bố mức lợi nhuận quý 2/2016 sụt giảm 34% so với cùng kỳ do chi phí lãi vay tăng cao. Cụ thể, doanh thu quý 2 công ty đạt 85 tỷ đồng, tăng 25%, trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 21 tỷ đồng, giảm đến 12 tỷ so với quý 2/2015. Do chi phí lãi vay tăng mạnh hơn 12 tỷ đồng, dẫn đến chi phí lãi vay tăng cao, từ đó lợi nhuận quý 2 năm nay giảm đáng kể 34%, chỉ đạt hơn 20 tỷ đồng.

Còn theo báo cáo tài chính quý 2/2016 của CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (AGR), tổng doanh thu hoạt động trong quý 2/2016 và 6 tháng đầu năm đạt lần lượt gần 42 tỷ đồng và 60 tỷ đồng, không thay đổi đáng kể so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, doanh thu môi giới đạt gần 10,4 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí hoạt động và chi phí quản lý trong 6 tháng đầu năm 2016 lên tới 164 tỷ đồng và 102 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, AGR lỗ trước thuế hơn 205 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do trích lập dự phòng gần 155 tỷ đồng đối với khoản đầu tư vào cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai. Khoản đầu tư này theo giá thị trường chỉ còn hơn 60 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Tuân (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN