Lo gia tăng trục lợi nhà ở xã hội

Mới đây, Bộ Xây dựng ban hành thông tư hướng dẫn làm hồ sơ mua nhà ở xã hội (NOXH), trong đó có việc không cần xác nhận chưa có nhà ở trên địa bàn phường, xã để tránh phiền hà cho người mua nhà. Đây là việc tốt, nhưng cũng có người lo ngại rằng: Giảm bớt thủ tục sẽ khiến gia tăng hiện tượng trục lợi NOXH…

Lo gia tăng trục lợi nhà ở xã hội - 1

Dự án NOXH Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chuẩn bị bốc thăm 69 căn nhưng số lượng hồ sơ lên đến hàng trăm bộ. Ảnh: Như Ý

Nhiều trường hợp trục lợi

Ra đời cách đây 6 năm, chính sách NOXH được người dân mong chờ vì lần đầu tiên, người thu nhập thấp ở đô thị có cơ hội sở hữu nhà với sự hỗ trợ của nhà nước. Do nguồn cung hạn chế nên quy định về đối tượng mua nhà ngặt nghèo. Tại Quyết định 34 (2010) của UBND TP Hà Nội, đối tượng mua NOXH bó hẹp lại với trường hợp chỉ có hộ khẩu nội thành Hà Nội. Đặc biệt, UBND phường phải xác nhận tình trạng chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ; có nhà ở nhưng diện tích bình quân dưới 5 m2/người.

Xuyên suốt trong 6 năm thực hiện chính sách NOXH, xác nhận tại UNND phường, xã là giấy tờ quan trọng nhất bắt buộc người mua NOXH phải có. Thế nên mới có chuyện, người dân đoạn trường tới UBND phường xin giấy xác nhận nhưng không được nên đành từ bỏ ý định mua NOXH. Báo chí từng phanh phui chuyện bố vợ của chủ đầu tư xây NOXH lại có tên trong danh sách mua NOXH do chính con mình xây.

Kết quả kiểm toán năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước về Chương trình NOXH công bố mới đây cho thấy, tại TPHCM có 16,7% và Đà Nẵng có 35,5% căn hộ NOXH được kiểm tra đang sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước chưa phát hiện, xử lý được những sai sót trong việc xác định đối tượng mua nhà của chủ đầu tư và việc sử dụng căn hộ NOXH, dẫn đến nhiều trường hợp sử dụng sai mục đích, đối tượng nhưng chưa bị xử lý.

Cần kiểm soát việc xét duyệt mua nhà

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng phân tích, về cơ bản chính sách NOXH thực hiện đúng đối tượng. Tuy nhiên, làm gì cũng có “con sâu làm rầu nồi canh”. Trong quá trình triển khai, có những trường hợp nhà giàu mua được NOXH.

Theo ông Nam, quy trình xét duyệt đối tượng hiện nay là chặt chẽ (giao cho chủ đầu tư toàn quyền xét duyệt còn Sở Xây dựng chỉ hậu kiểm – PV) vì nếu giao cho chính quyền sẽ chỉ làm khổ dân. Sau đó, chủ đầu tư gửi Sở Xây dựng để đưa lên trang điện tử. Trước đây, yêu cầu 2 dấu xác nhận của cơ quan và phường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều người phản ánh việc xác nhận ở phường rất khó khăn. Thậm chí có nơi phường lại cho rằng, trong luật không quy định nên không xác nhận. Hiện, quy trình thay đổi chỉ cần xác nhận của cơ quan đối với công chức còn người thu nhập thấp mới phải xác nhận ở phường.

“Đây là vấn đề tổng thể. Không thể kêu gọi người giàu không tham của người nghèo. Phải tạo cơ chế rõ ràng, rành mạch mới triệt tiêu những tiêu cực trong cuộc sống”, ông Nam chia sẻ.

Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) cho rằng, việc xét duyệt NOXH cho các đối tượng chủ yếu trách nhiệm thuộc chủ đầu tư dự án. Từ lúc bắt đầu nhận hồ sơ đến khi xem xét chấm điểm, đối tượng đó có được mua hay không, có được ký hợp đồng hay không do chủ đầu tư quyết. Còn cơ quan quản lý nhà nước như Sở Xây dựng chủ yếu kiểm tra để tránh các đối tượng mua ở hai dự án. “Tất cả các thủ tục còn lại chủ đầu tư quyết định hết. Còn việc trục lợi hay không trục lợi qua kiểm tra cơ quan chức năng sẽ xác định cụ thể. Nếu có trục lợi sẽ xử lý vi phạm là điều chắc chắn”, ông Đạm nói.     

Một lãnh đạo Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc để lọt đối tượng nhà giàu mua NOXH của người nghèo là lỗi của chủ đầu tư và cơ quan xét duyệt hồ sơ. Theo quy định, bán NOXH sai đối tượng, chủ đầu tư phải thanh lý thu lại nhà, bán lại cho đúng đối tượng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN