Kinh tế 2017: Thách thức nào đang chờ hành động?

Sự kiện: Kinh Doanh

Dù mới đi được quãng ngắn nhiệm kỳ mới 2016 -2020 nhưng với nhiều nỗ lực, Chính phủ đã gây dựng được niềm tin “lời nói đi đôi với hành động” trong lòng 90 triệu người dân Việt. Năm 2017, thách thức kinh tế nào đang chờ Chính phủ và phải làm gì để vượt qua? Hãy cùng Tiền Phong phân tích, mổ xẻ.

Năm 2016, cũng là năm đầu nhiệm kỳ và Chính phủ đã ghi điểm tạo dấu ấn lớn khi tuyên bố đồng hành cùng doanh nghiệp với những chương trình hành động lớn như: tháo gỡ vô số rào cản, nút thắt trong chính sách, đi kèm tạo cơ hội cho doanh nghiệp vay vốn lãi suất rẻ; đặc biệt ưu tiên những lĩnh vực, ngành phát triển sản xuất kinh doanh.

Ðặc biệt, luồng gió mới mang tinh thần Quốc gia Khởi nghiệp được thổi khắp mọi nơi. Bày tỏ quan điểm “Chính phủ không đi bán bia, bán sữa”, Thủ tướng cũng dứt khoát với nhiều ông lớn nhà nước không cần nắm giữ, Chính phủ sẽ thoái vốn để đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng của xã hội như đường sá, y tế, giáo dục.

Kinh tế 2017: Thách thức nào đang chờ hành động? - 1

Tài chính, kỷ luật ngân sách - Làm được không?

Khép lại năm 2016, đến ngày “chốt sổ” có lẽ hầu hết các bộ ngành đều thở phào vì đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Ðiển hình, Bộ Tài chính phấn khởi bởi thu ngân sách “cán đích” trước giờ G. Các lĩnh vực thuế và hải quan sau những ngày vắt chân lên cổ đôn đốc thu nay đã hòm hòm chỉ tiêu.

Năm 2016, bội chi trở thành vấn đề nhức nhối khi nợ công tiến sát trần, Việt Nam chính thức kết thúc thời kỳ vay vốn ưu đãi  dành cho những nước nghèo có thu nhập thấp. Gỡ từng bước, Chính phủ hoá giải dần áp lực. Nợ công được Quốc hội cho phép nới trần nhưng không chỉ đơn giản là thêm cơ hội vay nợ quốc gia mà quan trọng hơn, chiếc đồng hồ báo thức đã bật chuông cảnh tỉnh những người giữ “tay hòm chìa khoá” phải tuyệt đối cân nhắc khi chi tiêu.

“Kỷ luật ngân sách” là từ khoá được Chính phủ nhắc tới nhiều. Hồi tháng 9/2016, trong một cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh điạ phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Tôi từng nói với nhiều tỉnh rằng không thể để cho ngân sách Trung ương trợ cấp mãi được. Cả nước chỉ có 13 tỉnh, thành phố đóng góp cho ngân sách Trung ương thì làm sao ngân sách chịu nổi”.

Thế nên, nhắc lại không thừa, năm 2017, dù muốn hay không, câu chuyện thắt chặt hầu bao chi tiêu và bớt dựa dẫm "bầu sữa mẹ" là điều các địa phương, bộ ngành phải tự răn mình! (Dù kết thúc 2016, bội chi đã giảm) Ðặc biệt trong bối cảnh thu ngân sách tới đây tiếp tục gặp khó, chưa kể vô số những “thiên tai, địch họa" rồi cả những lỏng lẻo trong quản lý vẫn luôn rình rập hầu bao đất nước.

Tái cơ cấu - Chỉ tiền chưa đủ!

Tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2016, nghị trường từng sốt lên sình sịch khi Bộ trưởng Bộ  Kế hoạch Ðầu tư đệ trình bản Ðề án tái cơ cấu nền kinh tế với số tiền cần thiết ước 10 triệu tỷ. Tiền sẽ lấy từ đầu ra và phải bắt đầu như thế nào? Ai cũng tỏ ý nghi ngờ. “Nhưng tiền chỉ là một phần của tái cơ cấu, quan trọng hơn chính là cơ chế, cách thức vận hành”, chia sẻ với Tiền Phong, lãnh đạo một Bộ nói. Câu chuyện tái cơ cấu, nhìn rộng ra phải thấu đáo là cách làm bài bản, có mối liên hệ mật thiết giữa các bộ ngành, lĩnh vực, và làm sao để tất cả cùng chung một đích và ý chí, tái cơ cấu trong chính nội tại mình!

Nhìn sang lĩnh vực nông nghiệp, tái cơ cấu đặt ra sự dịch chuyển ngành nghề chăn nuôi, cây con giống thế nào, nông nghiệp công nghệ cao ra sao, phải làm  gì để các sản phẩm nông nghiệp của Việt nam không bị chịu cảnh lép vế dán mác ngoại chỉ vì chúng ta không biết chế biến, chỉ xuất thô?

Với đầu tư công, Chính phủ từng mạnh tay chi ngân sách và thu trái ngọt về cơ sở hạ tầng, thể hiện trách nhiệm của Chính phủ với xã hội; nhưng đừng quên vẫn còn đâu đó những “trái đắng” như trong nhiều dự án BOT hay thất thoát trong những công trình công cộng mà hệ luỵ nhỡn tiền là để lại gánh nặng nợ nần cho con cháu sau này oằn lưng trả.

Năm 2017, tái cơ cấu doanh nghiệp là một trong những tâm điểm khi quá nhiều những “đại bàng gãy cánh” hay những “quả đấm thép“ tan chảy. Sốt ruột, Thủ tướng đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý các nhà máy yếu kém đắp chiếu ngàn tỷ.

5 công trình có vốn nghìn tỷ nhưng thua lỗ, không hoạt động, gây bức xúc trong dư luận là Nhà máy sản xuất xơ sợi Ðình Vũ, dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và Nhà máy đạm Ninh Bình. Thêm 7 dự án mới được nêu tên bao gồm: Nhà máy Ðạm Hà Bắc, Ðạm DAP 1 Lào Cai , DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, Nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án Liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy gang thép Lào Cai.

Phiên họp chiều 20/12/2016 tại Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Vương Ðình Huệ  phải nhấn mạnh: Tinh thần xử lý bảo đảm tới hết năm 2017 phải có chuyển biến căn bản về kết quả xử lý. Phấn đấu tới hết năm 2018 cơ bản xử lý xong các dự án, doanh nghiệp này. Ông cũng nêu rõ: “Nhà nước nhất quyết không dùng tiền ngân sách để bù lỗ, hỗ trợ cho các dự án này nữa”.

Chính sách tiền tệ: không còn dư địa nới lỏng

Năm 2016, ngân hàng có một năm “an lành” khi cuối cùng, tỷ giá, lãi suất đứng vững trước cú “dội bom” từ bên ngoài với các sự kiện bất thường như Brexit (nước Anh rời khỏi EU), hay đồng USD lên giá sau 14 năm… Năm 2017, e ngại nhất điều gì? Phía ngân hàng, thẳng thắn lo lãi suất khó yên, rồi tỷ giá hối đoái…“rình” gây sức ép.

Dẫu vậy, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (hiện là thành viên Tổ tư vấn tiền tệ) nói rằng cá nhân ông không quá e ngại. Ông Nghĩa cho biết nhóm phân tích kinh tế vỹ mô của ông đã chỉ ra nhiều sự kiện bên ngoài sẽ không tác động mạnh như chúng ta vốn nghĩ, đặc biệt đến các Hiệp định thương mại đang đàm phán hoặc sắp ký.

“Việt Nam là nước duy nhất EU sẽ ký Hiệp định thương mại trong thời gian tới và đến giờ này, họ nói sự kiện nước Anh rời khỏi cũng không thay đổi gì, chỉ còn chờ đôi chút”; còn với Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn còn cơ hội, vấn đề chỉ là có thể chỉnh sửa và kéo dài thời gian… Ðến giờ 5/6 điều ông Trump tuyên bố sẽ làm ngay khi lên làm Tổng thống ông ấy đã không còn giữ nguyên nữa”, ông Nghĩa nói.

Trong năm tới, chính sách tiền tệ cố gắng giữ ổn định đã là giỏi rồi bởi hiện tại không còn dư địa để nới lỏng.

Theo dự báo năm 2017, lãi suất ngân hàng đang đứng trước những yếu tố tăng lên do lạm phát tăng. Các chuyên gia kinh tế tính toán nếu lạm phát 2016 xấp xỉ 4,5% thì năm 2017 có thể lên tới 5% . Bên cạnh, tỷ giá hối đoái cũng chịu sức ép nhất định khi đồng USD tăng giá do Mỹ điều chỉnh lãi suất; Trung Quốc có thể tiếp tục điều chỉnh tỷ giá.Ông Nghĩa kể phiên họp Hội đồng tư vấn tiền tệ tháng 12/2016, nhiều ý kiến đã đi đến nhất trí: Trong năm tới, chính sách tiền tệ cố gắng giữ ổn định đã là giỏi rồi bởi hiện tại không còn dư địa để nới lỏng.

Năm 2017, sẽ bắt đầu khởi động giai đoạn 2 tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (2017-2020) với phương án cách thức xử lý 3 ngân hàng 0 đồng. Chia sẻ với Tiền Phong, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng thừa nhận, tái cơ cấu các ngân hàng O đồng là câu chuyện không hề dễ. Nhưng  quan trọng, NHNN đã quyết tâm và Chính phủ rất ủng hộ. NHNN sẽ chọn giải pháp khả thi làm quyết liệt nhưng tránh gây ra đổ vỡ.

Lo giữ chân vốn ngoại

Ngày áp cuối năm 2016, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng vui mừng thông báo: tính đến tháng 10/2016, dòng vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam đạt cao kỷ lục với con số ròng lên tới 17 tỷ USD trong suốt những năm qua.

Nhưng ông Bằng thừa nhận mối lo đang tới gần khi sang 2017, sự hấp dẫn của đồng USD đang tạo thành hấp lực kéo các tổ chức, Quỹ đầu tư rút vốn tại những thị trường mới nổi; dòng vốn vào Việt Nam khó đi ngược xu thế.

Trong khi đó, ông Lê Minh, đại diện công ty quản lý quỹ VFM lại nhận định rằng đầu năm 2017 là quãng chúng ta đang ở khoảng trống chính sách với những khó khăn hiển hiện như khối ngoại rút vốn; tiền kiều hối về thấp ( 2016 dự kiến chỉ đạt 9 tỷ USD), FDI giải ngân hiện tốt nhưng bắt đầu đăng ký thấp. “Trên tổng thể chúng ta sẽ khó khăn hơn”, ông Minh nói.

Nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng bày tỏ: Nếu như năm 2016 GDP không “cán đích” chỉ tiêu 6,7% (chỉ đạt 6,3%) thì năm tới kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng khó. Ông Hiếu nhìn nhận: Các yếu tố bên ngoài như biến động quốc tế, biến đổi khí hậu... thì không thể kiểm soát được. Về các yếu tố nội tại như đầu tư công, nợ công..., chúng ta nói nhiều năm rồi mà chưa thấy có dấu hiệu được cải thiện.

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch công ty chứng khoán SSI kiêm chủ tịch công ty PAN – một doanh nghiệp làm nông nghiệp sạch bảo lưu quan điểm 2017 là năm rất khó khăn đối với kinh tế đất nước khi dòng vốn ngoại FDI sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Ông Hưng đề nghị tới đây Nhà nước hãy định hướng  để các thành phần tự triển khai nguồn lực chứ đừng đóng vai trò phân bổ nguồn lực. 

“Tất cả cần quay về ta tự lo cho ta. Nền kinh tế thay vì các doanh nghiệp chỉ lo đầu cơ tài sản hãy bắt tay vào sản xuất kinh doanh thực sự - lấy thị trường nội địa 90 triệu dân làm nền tảng để tiêu thụ hàng hoá của chính mình”, ông Hưng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Huyền (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN