Không ném ngân sách vào dự án thua lỗ

Sự kiện: Kinh Doanh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy tại hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Công Thương, sáng 6-1.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết của ngành công thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận chưa năm nào đất nước gặp khó khăn từ thiên tai đến nhân tai như năm nay và đều dẫn đến một số chỉ tiêu chưa hoàn thành.

Nhiều rào cản cần dỡ bỏ

Thủ tướng khẳng định vai trò đóng góp của ngành công thương trong phát triển chung là rất lớn. Đặc biệt, hoan nghênh phương án giảm số vụ, cục, phòng ban theo đề án mà Bộ Công Thương đã đề xuất; bỏ nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính… bởi đây là thực hiện tinh thần Chính phủ kiến tạo, tạo điều kiện cho người dân làm ăn, doanh nghiệp (DN) phát triển. “Chúng ta có quá nhiều rào cản cần dỡ bỏ” - Thủ tướng nói.

Không ném ngân sách vào dự án thua lỗ - 1

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp là yêu cầu cấp bách của nền kinh tế Ảnh: VĨNH TÙNG

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương hạn chế tình trạng tham nhũng, cửa quyền, kiên quyết xử lý các dự án thua lỗ kéo dài, nằm “đắp chiếu” hoặc triển khai không đúng tiến độ. “Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo xử lý các dự án. Cần tập trung giải quyết tồn đọng, nhất là kiên quyết nêu trách nhiệm người đứng đầu trong việc để thua lỗ. Ngân sách không có khả năng ném tiền vào những dự án thua lỗ này. Cái nào phá sản, phục hồi, hoán đổi thì cần có cơ chế rõ ràng, giải pháp cụ thể” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tạo môi trường làm ăn sòng phẳng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở ngành công thương về việc sắp xếp, đổi mới DN nhà nước, cổ phần hóa nói chung còn chậm, chưa hiệu quả. “Bộ máy đồ sộ, người đông, sản phẩm không có gì nổi trội thì không thể cạnh tranh được. Người đứng đầu các DN cần nhận thức đây thực sự là cuộc cách mạng, yêu cầu cấp bách của nền kinh tế” - Thủ tướng chỉ rõ. Đặc biệt, theo Thủ tướng, một điểm tồn tại phải rút ra là công tác cán bộ còn nhiều bất cập, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của ngành và đến nay vẫn phải tiếp tục giải quyết hậu quả.

Cũng liên quan đến vấn đề con người, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương muốn có sự thay đổi, cạnh tranh phải bắt đầu tạo ra môi trường để DN, người dân làm ăn sòng phẳng, không bị chèn ép. “Cái gì cản trở thì Chính phủ sẽ lắng nghe, tháo gỡ cho sản xuất, thương mại, tiêu dùng hàng hóa trên tinh thần sản xuất và tiêu thụ theo sát thị trường” - người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định kinh tế Việt Nam năm 2017 được dự báo có nhiều yếu tố thuận lợi. Tuy vậy, giá dầu và lương thực có xu hướng tăng gây sức ép lạm phát tăng trở lại; việc ổn định tỉ giá và lãi suất cũng sẽ gặp khó khăn do áp lực điều chỉnh theo sự tăng giá của đồng ngoại tệ; sức ép cạnh tranh trong hội nhập lớn…

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kiến nghị Chính phủ lưu tâm xem xét một số giải pháp hỗ trợ cho các ngành điện, dầu khí, than, phân bón... Cụ thể, xem xét, ban hành quyết định phê duyệt cơ chế đặc thù thực hiện các dự án điện cấp bách trong quy hoạch điện VII điều chỉnh; đề xuất phương án xử lý ưu đãi thuế nhập khẩu sản phẩm theo cam kết của Chính phủ đối với Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn; tiếp tục hỗ trợ đàm phán bảo lãnh Chính phủ với các nhà thầu nước ngoài trong dự án khí Lô B…

TP HCM: Chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ

Chiều cùng ngày, Sở Công Thương TP HCM đã tổng kết năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017. Theo báo cáo, chỉ số sản xuất công nghệ (IIP) trên địa bàn năm 2016 ước tăng 7,33% so với năm 2015, vượt kế hoạch 0,33%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 7,69%, 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 7,77%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân ngành.

Năm 2017, ngành công thương TP đặt mục tiêu, so với năm 2016, chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7%, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng 7,2%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tăng 8%-8,5%; phấn đấu kiểm soát và kiềm chế tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp hơn tốc độ tăng CPI cả nước...

Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, để đạt những mục tiêu nêu trên, ngành công thương sẽ tập trung ổn định giá cả và thị trường; phát triển hệ thống phân phối hàng hóa trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phát triển, thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, thương mại trên địa bàn. Đặc biệt, sẽ đổi mới hoạt động từ tư duy quản lý sang phục vụ bằng cách tìm đến DN để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm thống nhất phương hướng hoạt động và các nhóm giải pháp của ngành đề ra nhưng yêu cầu điều chỉnh lại các chỉ tiêu tăng trưởng cơ bản. Cụ thể, chỉ số phát triển công nghiệp phải tăng trưởng hơn 8%, thương mại dịch vụ tăng hơn 9% mới góp phần đưa GDP TP năm 2017 tăng từ 8,3%-8,7% so với năm 2016.

T.Nhân

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Nhung (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN