Khởi nghiệp, bắt đầu từ đâu?

Những cá nhân khởi nghiệp (start-up) đang là xu thế của giới trẻ nhưng cần được định hướng, hỗ trợ đúng mức để phát triển một cách bền vững.

Khởi nghiệp, bắt đầu từ đâu? - 1

Chuỗi cà phê The KAfe đang mở rộng kinh doanh sau khi nhận được 5,5 triệu USD từ quỹ đầu tư nước ngoài - Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Phong trào khởi nghiệp của các doanh nghiệp trẻ hiện nay đang bước vào giai đoạn cao trào. Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế, những người có nhiều kinh nghiệm khởi nghiệp cho rằng để thành công, người khởi nghiệp không chỉ cần có nhiệt huyết, đam mê mà cần phải có sự hỗ trợ từ một “hệ sinh thái” bền vững gồm các yếu tố cốt lõi, đặc biệt là từ chính sách cũng như tài chính từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Tấp nập gọi vốn nước ngoài

Năm 2015, cô chủ Đào Chi Anh (32 tuổi) của hệ thống KAfe Group đã khiến giới start-up Việt vô cùng ngưỡng mộ khi được một quỹ đầu tư của Hồng Kông - Cassia Investments - rót 5,5 triệu USD. Tuy nhiên, điều mà nhiều người khâm phục không phải ở giá trị khoản đầu tư mà ở cách cô gái này gọi vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài.

Không an phận với chuỗi nhà hàng The KAfe và Kitchen Art ở Hà Nội với vốn đầu tư ban đầu 5 tỉ đồng, Đào Chi Anh đã tìm đến những trung tâm tài chính hàng đầu châu Á như Hồng Kông và Singapore để thuyết phục các quỹ ngoại đầu tư cho doanh nghiệp của mình. Tại đây, KAfe Group phải cạnh tranh không chỉ với rất nhiều doanh nghiệp khác trên thế giới để nhận được vốn.

Giờ đây, với nguồn vốn có được, Đào Chi Anh phát triển chuỗi nhà hàng của mình tại TP HCM, tái cấu trúc doanh nghiệp theo mô hình holdings (công ty mẹ - con), đặt mục tiêu niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế… Mới đây nhất, đầu năm 2016, KAfe Group đã thâu tóm thành công thương hiệu bánh Mint Cupcake Creations (Mint) của một cô gái trẻ 9X khởi nghiệp ở Hà Nội năm 2013.

Không có tham vọng xây dựng chuỗi cà phê hàng đầu như cô chủ của KAfe Group, bạn trẻ Nguyễn Hữu Long, người sáng lập thương hiệu Shin Coffee, có phương châm chất lượng hơn số lượng. Chúng tôi gặp lại Nguyễn Hữu Long sau Tết Bính Thân 2016 cũng là lúc anh khai trương quán Shin Coffee trên đường Hồ Huấn Nghiệp (quận 1, TP HCM). Đây là quán cà phê thứ hai của Long tại TP HCM, chỉ 3 tháng sau quán Shin Coffee đầu tiên trên đường Nguyễn Thiệp (quận 1).

Thành công bước đầu của Shin Coffee phần lớn xuất phát từ niềm đam mê cà phê của Long từ những ngày đầu khởi nghiệp. Long cho biết chỉ có Shin Coffee, khách mới có thể thưởng thức khoảng 120 loại cà phê sạch, nguyên chất độc, lạ nổi tiếng trên khắp thế giới. “Rất may mắn, quán thứ hai mở ra, chúng tôi đã được một đơn vị đầu tư 30% cổ phần và hỗ trợ thêm rất nhiều thứ nên chúng tôi cũng cảm thấy yên tâm. Thời gian tới, dù không chạy theo số lượng nhưng chúng tôi mong muốn Shin Coffee sẽ được mở rộng” - Long chia sẻ.

Cùng với KAfe Group, Shin Coffee còn có nhiều dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ cũng gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư nước ngoài như mô hình kinh doanh du lịch bằng sức mạnh cộng đồng Triip của đôi vợ chồng Hải Hồ - Hà Lâm được rót 500.000 USD từ một quỹ đầu tư Gobi Partners (Thượng Hải - Trung Quốc); ứng dụng giới thiệu các địa điểm ăn uống LOZI của chàng trai trẻ sinh năm 1992 Nguyễn Hoàng Trung nhận được hàng triệu USD từ Tổ chức Golden Gate Ventures và Tập đoàn Design One Japan…

Còn hời hợt chất lượng

Sự thành công ban đầu của những người vừa khởi nghiệp trên đây có thể nói chỉ là số ít trong số hàng trăm, hàng ngàn người lao vào con đường khởi nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Phạm Đình Nguyên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Phin Deli, các bạn trẻ hiện nay đang “bị” truyền thông gây ảnh hưởng nên có một phong trào kiểu nhà nhà khởi nghiệp, người người khởi nghiệp. “Nhiều dịp đi chia sẻ với sinh viên, tôi thấy các bạn đang quay cuồng với giấc mơ khởi nghiệp nhưng lại chẳng hiểu gì về ngành/lĩnh vực mình dự kiến bắt đầu, cũng chẳng có lấy kiến thức căn bản về cung cầu hay sales, marketing...” - ông Nguyên dẫn chứng.

Còn bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng Thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ TP HCM, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp TP HCM, cho rằng phong trào khởi nghiệp chỉ được chú ý và phát triển mạnh trong thời gian gần đây vì vậy hoạt động này chưa được hỗ trợ bài bản từ Chính phủ, các tổ chức... Đó cũng là lý do sự thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa nhiều. “Mảnh đất đã được xới lên nhưng số lượng người gieo trồng và gặt được quả thì vẫn còn hiếm” - bà Phi nhấn mạnh.

Cũng chính vì mới nên nhiều ý tưởng chưa đủ độ “bén”, chưa có tính sáng tạo và chưa có kinh nghiệm nhiều ở những lĩnh vực họ bắt đầu. Chưa kể, các ý tưởng khởi nghiệp chưa tập trung vào khai thác điểm mạnh của quốc gia. “Chính vì vậy mà các bạn trẻ cần quan sát kỹ, cần thêm thời gian tìm hiểu sản phẩm chứ không phải có công nghệ tốt áp vào thì sẽ thành công. Cơ thể sẽ bị “sốc thuốc” nếu không thích nghi mà không được xét nghiệm, kiểm tra trước khi “kê đơn” xem thuốc đó có thích hợp hay không” - bà Phi nói.

Ý kiến

Ông Diệp Văn Sơn - chuyên viên cao cấp, nguyên Phó Vụ trưởng, Bộ Nội vụ:
Phải chấp nhận “văn hóa thất bại”

Khởi nghiệp cần sự đam mê, một chút liều lĩnh và có ý tưởng, và người ta dành toàn bộ thời gian, sức lực, tiền bạc vào việc đó, theo đuổi đến cùng, có thể thất bại và phải chấp nhận văn hóa thất bại. Nhiều chuyên gia khởi nghiệp nói rằng nếu chúng ta không có văn hóa thất bại sẽ không ai có thể thành công.

Cùng với việc chấp nhận “văn hóa thất bại”, chúng ta phải có quỹ đầu tư mạo hiểm để làm tiền đề, hướng dẫn về hành lang pháp lý cho mọi cá nhân khởi nghiệp được quyền tiếp cận với các nguồn vốn trong và ngoài nước một cách thuận lợi hơn. Nhà nước nên đầu tư mạo hiểm, bởi ngay cả Mỹ cũng vẫn sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư mạo hiểm. Hiện nay, khởi nghiệp hiện tại vẫn dành cho gia đình có điều kiện. Người tài của chúng ta có ở khắp mọi nơi nhưng mặt tiếp cận vốn của chúng ta quá khó nên cuối cùng vẫn dựa vào nguồn vốn gia đình. Vấn đề của chúng ta là tận dụng không hết nguồn lực. Chúng ta phải tạo điều kiện cho những người thiếu điều kiện có thể tham gia vào khởi nghiệp.

Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp TP HCM:
Cuộc chiến khởi nghiệp đa quốc tịch

Tôi cho rằng biểu đồ của quá trình khởi nghiệp vẫn tiếp tục đi theo xu hướng của hình chiếc phễu. Sẽ bắt đầu với vòm miệng rất rộng nhưng kết quả thành công là phần thắt lại bên dưới của chiếc phễu đó. Đặc biệt, khi Việt Nam đã gia nhập AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN) thì các việc khởi nghiệp đã trở thành một sân chơi đa quốc tịch, nhiều đối thủ am hiểu thị trường, đủ tầm sẽ có nhiều thuận lợi hơn.

Quan trọng là các ý tưởng khởi nghiệp phải hướng đến mục tiêu sống còn, phải để nhân rộng sau này chứ không phải để nuôi sống mình hay chỉ thỏa đam mê. Và, phải quan tâm đến thị trường không chỉ của Việt Nam mà các nước để có thể vươn tầm. Nghĩa là để tồn tại được với một sân chơi khởi nghiệp đa quốc tịch thì sản phẩm phải  ra được thế giới, phải có tính đặc trưng, có thị trường vì vậy mà cần phải điều tra rất kỹ.

Ông Phạm Đình Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty CP Phin Deli:
Cần nền tảng hỗ trợ

Với hệ sinh thái (Eco system) như hiện nay của Việt Nam, tôi cho rằng việc các bạn trẻ khởi nghiệp tự xoay xở để có thể tồn tại, đi đến cuối cùng với ý tưởng của mình sẽ là một thách thức lớn. Nói như vậy không có nghĩa là không thể, theo tôi biết thì vẫn có những quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước đang tìm kiếm những dự án start-up đúng nghĩa và tiềm năng. Bên cạnh đó, các bạn cần chủ động tham gia vào các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nước để có thể tiết kiệm thời gian và chi phí cho bản thân mình.

Đặc biệt, các bạn cần tỉnh táo tự nhìn nhận bản thân có phù hợp để khởi nghiệp không vì khởi nghiệp không dành cho tất cả mọi người. Quan trọng là cần hiểu thấu đáo về lĩnh vực mình muốn khởi nghiệp, tốt nhất là theo quy tắc 10.000 giờ để kiểm chứng niềm đam mê cũng như học những bài học nhỏ, tránh đóng học phí. Bên cạnh đó, bạn cần có sự chuẩn bị về mặt tài chính từ cá nhân, sự hỗ trợ từ người thân, quý nhân hay các quỹ đầu tư để có thể tồn tại trong 3 năm…

Phạm Đình ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sơn Nhung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN