Khai khoáng kéo tụt tăng trưởng

Sự kiện: Kinh Doanh

Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) vừa công bố tình hình kinh tế xã hội Việt Nam năm 2016. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 ước tính tăng 6,21% so với năm 2015. Đây là mức tăng trưởng thấp, không đạt mục tiêu 6,7% như Quốc hội đề ra.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, mức tăng trưởng năm nay thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015 và không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% đề ra. Đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận, trong nước gặp nhiều khó khăn (thời tiết, môi trường biển diễn biến phức tạp), đạt được mức tăng trưởng như trên là một thành công.

Ông Lâm cũng cho rằng, tuy chưa có bứt phá tăng trưởng của toàn nền kinh tế nhưng các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng tốt. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,57%. Khu vực dịch vụ tăng 6,98%.

Khai khoáng kéo tụt tăng trưởng - 1

Lao động trong khai khoáng giảm dần và chuyển dần sang nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo.

Riêng hai lĩnh vực nông, lâm nghiệp và khai khoáng gặp nhiều khó khăn trong năm 2016, đã kéo tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế xuống. Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,36%, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây do rét đậm rét hại ở miền núi phía Bắc, lũ lụt ở miền Trung, hạn hán ở Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Quy mô nền kinh tế năm 2016 đạt 4,5 triệu tỷ đồng. GDP bình quân đầu người ước tính đạt 48,6 triệu đồng, tương đương 2.215 USD, tăng 106 USD so với năm 2015. Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,3%; công nghiệp và xây dựng chiếm 32,7%; dịch vụ chiếm 40,9%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10%.

Theo ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Thống kê Công nghiệp (Tổng cục Thống kê), năm 2016 là thời điểm lần đầu tiên sản xuất công nghiệp khai khoáng thấp nhất từ trước tới nay. Công nghiệp khai khoáng tăng trưởng thấp do khủng hoảng năng lượng thế giới. “Nền kinh tế Việt Nam đang giảm dần phụ thuộc vào ngành khai khoáng, tăng trưởng mạnh ngành chế biến chế tạo. Xu hướng vận động theo hướng giảm lao động trong nông lâm thuỷ sản, tăng lao động trong chế biến chế tạo của nền kinh tế là dấu hiệu tốt, chuyển biến tích cực”, ông Thúy nói.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng, trong bối cảnh kinh tế xã hội khó khăn, việc đạt mốc tăng trưởng 6,21% là sự cố gắng của cả Chính phủ và bộ ngành.

Thành công trong kiểm soát lạm phát

2016 được coi là năm thành công kiểm soát lạm phát trong điều kiện giá một số mặt hàng thiết yếu tăng trở lại và Nhà nước điều chỉnh giá một số mặt hàng. Năm 2016 bình quân mỗi tháng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,4%; CPI bình quân năm 2016 so với năm 2015 tăng 2,66%; CPI tháng 12 năm 2016 tăng 4,7% so với tháng 12 năm 2015, thấp hơn so với mục tiêu 5% của Quốc hội đặt ra.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, do điều hành của Chính phủ, từ 1/3/2016, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng. Bên cạnh đó, 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng học phí các cấp học (làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 12 năm 2016 tăng 12,5% so với tháng 12 năm trước). Điều này tác động tới chỉ số CPI năm 2016 tăng khoảng 0,58% so với tháng 12 năm trước.

“Việc giữ được lạm phát dưới 5% rất thành công trong bối cảnh Chính phủ điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục và giá xăng dầu tăng giảm thất thường”, Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh. Theo người đứng đầu Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng 6,7% đặt ra trong năm 2017 sẽ rất khó đạt được trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội khó khăn. Để đạt mức tăng trưởng này, các bộ ngành cần tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp thị trường và biến đổi khí hậu. Hình thành vùng chuyên canh lớn. Nhà nước và bộ ngành tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Đồng thời đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Phát triển mạnh thị trường trong nước, hệ thống bán lẻ gắn với tiêu thụ hàng trong nước, chống hàng giả, nhái, chống buôn lậu.

“Tình hình kinh tế xã hội năm 2017 sẽ có nhiều khó khăn. Các bộ ngành, địa phương phải cố gắng để vượt qua”, ông Lâm nhấn mạnh.

Tổng sản phẩm trong nước GDP 2016 ước tính tăng 6,21%, không đạt mục tiêu 6,7% như Quốc hội đề ra. Trong đó, nông lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 1,36% (mức tăng thấp nhất kể từ 2011 trở lại đây); công nghiệp và xây dựng tăng 7,57%; dịch vụ tăng 6,98%. Lạm phát tăng 4,74%, đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra (không quá 5%).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Nga (Tiền Phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN