Hà Nội tăng phí vỉa hè, trông giữ xe: Ai hưởng lợi?

Sự kiện: Kinh Doanh

Hà Nội vừa quyết định sử dụng biện pháp kinh tế khi tăng gấp 3 lần phí sử dụng vỉa hè. Dư luận đồng tình song còn băn khoăn về việc phân chia lại “miếng bánh” màu mỡ này.

Niêm yết một đằng, thu một nẻo...

Trước giờ G tăng giá trông giữ xe trên vỉa hè Hà Nội (áp dụng từ 1/1/2018), PV báo Người đưa tin đã có mặt tại điểm trông giữ xe của viện Mắt TW (phố Bùi Thị Xuân, Hà Nội), một trong những điểm nóng về giá vé trông xe thời gian qua. Vé xe ghi giá niêm yết là 3.000 đồng nhưng thực tế nhân viên trông xe vẫn thu 10.000 đồng, khi PV thắc mắc thì hạ xuống 5.000 đồng kèm câu đá xéo: “Bây giờ làm gì còn chỗ nào 3.000?!”.

Hà Nội tăng phí vỉa hè, trông giữ xe: Ai hưởng lợi? - 1

Điểm trông xe trước cổng viện Mắt TW (ảnh: M.M)

Được biết, đây là một trong những điểm trông giữ xe thuộc quyền quản lý của công ty TNHH đầu tư phát triển Anh Duy (104 Bùi Thị Xuân, Hà Nội), công ty lớn nhất về dịch vụ trông giữ xe ở địa bàn quận Hai Bà Trưng với quy mô 18 điểm. Trước đó, nạn tăng giá quá mức của bãi xe này đã được PV phản ánh đến lãnh đạo công ty Anh Duy, vị đại diện cho biết sẽ kiểm tra và chấn chỉnh, song thực tế “nguyễn y vân”.

Buổi tối ở khu vực phố cổ Hà Nội, tình trạng trông giữ xe tự phát của các hộ gia đình diễn ra bát nháo. Khi gửi xe tại đầu phố Đinh Liệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để vào phố cổ Tạ Hiện, Mã Mây, PV đã phải trả 20.000 đồng và nhận lại một miếng bìa ghi biển số hết sức sơ sài. Những ngày cuối tuần, khi nhiều tuyến phố cấm đường để phục vụ người đi bộ, tình trạng người dân lao ra đường chặn xe mời gửi xe ở khu vực này khiến cho diện mạo khu phố cổ trở nên lộn xộn và xấu xí.

Vấn đề vỉa hè Hà Nội bị lấn chiếm để kinh doanh, trông giữ xe quá giá, trông xe tự phát, nhập nhằng biển hiệu... đã làm đau đầu các cơ quan quản lý từ nhiều năm nay. Nhiều chương trình, kế hoạch, nhiều đợt ra quân đã được triển khai nhằm lập lại trật tự, song các biện pháp lâu nay chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa” bởi cứ sau một thời gian là đâu lại vào đấy.

Còn nhớ, gần nhất là đợt ra quân rầm rộ đầu tháng 3/2017 nhằm giành lại vỉa hè nhưng đến nay nhiều tuyến phố trên địa bàn TP.Hà Nội đang bị lấn chiếm trở lại. Tình trạng vỉa hè trở thành nơi kinh doanh buôn bán còn lòng đường là chỗ đỗ xe xảy ra ở hầu khắp các địa bàn quận, huyện.

Trước đó, đầu năm 2016, UBND TP.Hà Nội cũng ký ban hành công văn yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chủ động kiểm tra rà soát các điểm trông giữ xe, kiên quyết xử lý sai phạm, thu hồi giấy phép đối với tổ chức, cá nhân cố tình tái phạm và quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Sau chỉ đạo đó, hàng loạt bãi trông giữ xe đã bị thanh lọc, nhiều công ty bị xử lý. Tuy nhiên, có thể khẳng định nạn trông xe trái phép, trông xe quá giá đến nay vẫn hết sức phổ biến.

Hà Nội tăng phí vỉa hè, trông giữ xe: Ai hưởng lợi? - 2

Vỉa hè phố Cao Thắng (Hàng Mã, Hoàn Kiếm) bị lấn chiếm toàn bộ để kinh doanh. (ảnh: M.M)

Bởi vậy, việc HĐND TP.Hà Nội thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung quy định thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trong thành phố được cho là chính sách có sự thay đổi mạnh mẽ. Theo đó, mức thu phí sử dụng diện tích trông giữ ô tô tăng thấp nhất là 50%, cao nhất 300%, với giá trị tương ứng từ 20.000-160.000 đồng/m2/tháng.

Mức phí sử dụng diện tích trông giữ xe đạp, xe máy tăng 80.000-90.000 đồng/m2/tháng. Mức phí này được áp dụng tùy theo khu vực, tuyến phố, cao nhất thuộc 12 tuyến phố khu bảo tồn cấp 1 đô thị lõi quận Hoàn Kiếm và giảm dần ra xa trung tâm.

“Chảy” vào túi ai?

Chia sẻ với PV báo Người đưa tin sau quyết định trên, giám đốc một công ty trông giữ xe ở quận Hai Bà Trưng cho biết: “Bây giờ thành phố tăng thì phải chịu thôi, công ty sẽ phải tăng phí của khách gửi. Trước đây một xe máy gửi ở bãi xe của chúng tôi chỉ mất 120.000 đồng/tháng thì bây giờ là 360.000 đồng/tháng. Còn giá trông xe theo lượt lâu nay đã cao hơn giá niêm yết rồi, bây giờ giá niêm yết tăng chắc chúng tôi cũng tăng theo”.

Theo thống kê, trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội đang có trên 1.100 điểm trông giữ ô tô, xe máy, trong đó số điểm trông giữ có phép chỉ khoảng 500 điểm, còn lại đang hoạt động “chui”, thu phí vô tội vạ. Điều dễ hiểu là ngay cả công ty  hoạt động hợp pháp còn thả nổi giá không quản lý thì những điểm trông xe tự phát còn thổi giá ăn theo quy định mới như thế nào.

Trao đổi với PV báo Người đưa tin, chuyên gia giao thông – TS. Từ Sỹ Sùa (ĐH Giao thông Vận tải) nhận định, việc tăng giá là một trong những mục tiêu trong nhóm giải pháp nhằm giải quyết bài toán giao thông tĩnh của nội đô. “Việc tăng giá trông xe sẽ khiến người ta phải cân nhắc hơn, thay vì gửi từ sáng đến chiều thì gửi theo block 2 giờ một, khẩn trương hơn hối hả hơn và lâu dài có giá trị tích cực đối với giao thông tĩnh, buộc quy hoạch các bãi đỗ xe ngầm và quy củ” – ông Sùa nói.

Hà Nội tăng phí vỉa hè, trông giữ xe: Ai hưởng lợi? - 3

TS. Từ Sỹ Sùa cho rằng, nếu không kiểm soát chặt chẽ thì phí trông xe sẽ chảy vào túi một nhóm nào đó.

Nói về khía cạnh kinh tế, TS. Sùa lo ngại: “Giá niêm yết như thế người ta đã tăng gấp 2-3 lần rồi, bây giờ lại tăng 3 lần thì người ta còn tăng bao nhiêu nữa? Tôi cũng quan tâm ai là người thụ hưởng phần phí đó. Tôi e ngại nếu không tính toán đầy đủ, kiểm soát minh bạch thì phần giá tăng đó Nhà nước sẽ không được gì cả mà rơi vào túi một nhóm nào đó”.

Chuyên gia giao thông, nguyên Thứ trưởng bộ GTVT Phạm Thế Minh chia sẻ: “Việc tăng giá sử dụng vỉa hè lòng đường với Hà Nội có nhiều mục đích cả kinh tế lẫn xã hội. Nó hạn chế việc đậu đỗ trong điều kiện giao thông tĩnh đang thiếu thốn mà xe cộ tăng. Thực ra nếu chỉ nhằm hạn chế phương tiện thì không đúng vì đầu xe của ta trên dân cư vẫn thấp. Nhưng thấy giá trông xe đắt thì anh phải tiết kiệm. Đi làm, họp hành mua sắm vẫn phải gửi nhưng nếu đỗ để uống cà phê thì nên nhanh chóng”.

Ông Phạm Thế Minh cũng cho rằng, muốn xây dựng đô thị thông minh thì giao thông phải thông minh, điểm đỗ bãi đỗ cũng phải thông minh. Định đến điểm nào thì biết quanh đó có bao nhiêu điểm đỗ, còn bao nhiêu chỗ, giá tiền lũy tiến bao nhiêu... “Nhiều lần đi lễ chùa Quán Sứ, tôi thấy lực lượng trật tự phường cũng ra quản lý việc trông giữ xe, tôi nghĩ phường cũng có khoản thu từ đó”, nguyên Thứ trưởng bộ GTVT nói và cho rằng cần công khai minh bạch các khoản thu này để đầu tư, sử dụng hợp lý.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng, thời gian qua, vấn đề vỉa hè được nói đến nhiều nhưng nhiều người vẫn hiểu sai chức năng của nó. Ông Liêm nhận định, quan điểm vỉa hè của người đi bộ là chưa đầy đủ. Thực chất, vỉa hè không phải chỉ của người đi bộ mà còn là không gian đệm giữa ngôi nhà với đường phố và người thụ hưởng chính là chủ nhà. Ngoài ra, vỉa hè còn là không gian công cộng, là nơi ai cũng có thể đến, nơi chứa các hạ tầng của đô thị như: Cột điện, cây cối, rồi đường ống điện, nước, ống cống... Với chức năng này thì nó thuộc quyền quản lý của thành phố. "Chúng ta phải hiểu chức năng của vỉa hè để chức năng của ai cũng được thực hiện mà không ảnh hưởng đến chức năng khác", ông Liêm nói.

Giám đốc sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, đợt tăng giá lần 1 này nhằm tiệm cận giá trông giữ xe đang được thị trường chấp nhận. Cụ thể, giá trông xe máy theo quy định hiện là 3.000 đồng, nhưng thực tế người dân phải trả 5.000 đồng, ô tô 30.000 đồng/2 giờ, nhưng người dân phải trả 50.000 đồng. Như vậy, theo người đứng đầu ngành GTVT Thủ đô thì lâu nay giá trông giữ xe công cộng của Hà Nội đã lạc hậu và đây là cách để hợp thức hóa giá trông xe cao hơn giá niêm yết mà lâu nay thị trường đã chấp nhận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Minh (Người đưa tin)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN