Giá trị thương hiệu Vinamilk, Sabeco tăng hàng trăm triệu USD trong năm thoái vốn

Sự kiện: Kinh Doanh

So với năm 2016, năm nay giá trị thương hiệu Vinamilk tăng thêm 352 triệu USD, còn Sabeco tăng thêm 229 triệu USD.

Năm 2017 đánh dấu mốc quan trọng với cả hai thương hiệu lớn của Việt Nam là Vinamilk và Sabeco. Cả hai doanh nghiệp đều tiến hành bán lượng lớn cổ phần. Sabeco thu về 110.000 tỷ đồng, Vinamilk thu về 20.000 tỷ đồng sau thoái vốn vừa qua.

Điều đặc biệt, cả hai doanh nghiệp trong năm 2017 đều có sự tăng trưởng vượt bậc về giá trị thương hiệu.

Theo đánh giá của Brand Finance vừa được công bố ngày 28/12, năm 2017, thương hiệu Vinamilk xếp thứ 2 trong top 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam. Giá trị thương hiệu của Vinamilk năm 2017 đạt 1.362 triệu USD, tăng 352 triệu USD so với năm 2016.

Vào năm 2016, thương hiệu Sabeco đứng thứ 6 trong bảng báo cáo của Brand Finance. Năm 2017, hãng này vươn lên vị trí số 5 với trị giá thương hiệu 598 triệu USD, tăng 229 triệu USD so với năm trước.

Giá trị thương hiệu Vinamilk, Sabeco tăng hàng trăm triệu USD trong năm thoái vốn - 1

Sabeco - đơn vị có giá trị thương hiệu thứ 5 Việt Nam

Câu chuyện về thương hiệu Việt ngày càng được dư luận quan tâm. Đặc biệt với những doanh nghiệp lớn chiếm lĩnh thị trường hiện tại.

Hiện tại, tổng giá trị 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam đạt 11,279 tỷ USD, riêng 7 thương hiệu dẫn đầu nắm giữ 6,7 tỷ USD. Viettel vẫn là có giá trị hàng đầu thị trường Việt Nam với mức 2,569 tỷ USD. Tiếp theo lần lượt là Vinamilk, VNPT, Vinhomes, Sabeco, PetroVietnam và Mobifone.

Trở lại câu chuyện về giá trị thương hiệu, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt, đặc biệt doanh nghiệp Nhà nước đang trong lộ trình thoái vốn càng được quan tâm.

Trước đó, chia sẻ về vấn đề định giá thương hiệu, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết việc Chính phủ tiến hành sửa đổi Nghị định 59/2011/NĐ-CP, trong đó chú trọng hơn vào việc xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh. Theo đó, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được chú trọng, tránh được thất thoát vốn trong quá trình cổ phần hóa hay thoái vốn nhà nước như trong một số trường hợp được dư luận quan tâm thời gian qua.

Ông Tiến cũng cho rằng việc xây dựng, phát triển và định giá đúng giá trị thương hiệu là nhu cầu thiết thực đối với mọi loại hình doanh nghiệp.

Giám đốc Mibrand - đại diện Brand Finance tại Việt Nam, ông Lại Tiến Mạnh cũng cho rằng việc xây dựng tài sản vô hình, có hệ thống đo lường giá trị theo chuẩn quốc tế và tư vấn các hoạt động truyền thông chiến lược để định vị đúng xây dựng lợi thế cạnh tranh và tạo ra giá trị cho thương hiệu là điều cần thiết với mỗi doanh nghiệp hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nam Anh (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN