Đua lãi suất, ai được lợi?

Có ngân hàng thương mại đã quyết đưa mức lãi suất cao nhất lên tới gần 8,4%/năm. Lãi suất tăng, ai được lợi và cơ quan quản lý có tuýt còi những ngân hàng “xé rào”?

Đua lãi suất, ai được lợi? - 1

Lãi suất tăng vì ngân hàng lo bị giảm dòng vốn trung dài hạn vào bất động sản. Ảnh: Như Ý.

Cuộc đua ngầm lẫn công khai

Sau gần một năm ổn định (5-6%/năm), chừng hai tuần trở lại đây, lãi suất ngân hàng đột ngột vống lên. Thậm chí, nhiều dấu hiệu cho thấy sức nóng cuộc đua này sẽ kéo dài.

Tính đến ngày 3/3, các ngân hàng Eximbank, SeABank, OCB đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động mới với mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn dài (từ 13 tháng trở lên) lên tới 8 - 8,2%/năm. Cụ thể hơn, Eximbank áp dụng mức lãi suất 8%/năm cho nhóm khách hàng có khoản tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 36 tháng. Ngân hàng OCB, SeABank quy định khách gửi trên 10 tỷ đồng có lãi suất 8%/năm kỳ hạn 13 tháng, còn lãi suất thông thường cho các kỳ hạn dài từ 6,7 – 6,95%/năm. Thậm chí, Ngân hàng Việt Á sẵn sàng chi trả lãi suất 8,38%/năm cho kỳ hạn 13 tháng với khoản tiền từ 100 tỷ đồng trở lên và trở thành ngân hàng có mức lãi suất huy động cao ở mức đầu bảng.

Nhân viên phòng giao dịch của một trong số ngân hàng trên kể: “Dân mình giờ giàu lắm. Có bà khách VIP có tới 6-7 sổ gửi cả mấy năm nay, mà sổ ít nhất cũng trên 1 tỷ”. Như để thuyết phục, cô nhân viên bật mí thêm: “Khách này vừa có con ở nước ngoài hay gửi tiền về, lại vừa có mấy cái nhà cho thuê”.

Tại các ngân hàng nhà nước, tình hình có vẻ “bình tĩnh” hơn. Với tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, VietinBank và BIDV cùng mức lãi suất 0,5%/năm; Ocean Bank mức lãi suất 0,8%/năm và mức lãi suất cao nhất 1%/năm của Agribank.

Trong phòng giao dịch BIDV chi nhánh Thăng Long, trước băn khoăn của người gửi tiền, chị Thu Hằng, giao dịch viên tư vấn: “Nên gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng với mức lãi suất 6,5%/năm là phù hợp nhất. Hết 13 tháng, khách chưa có nhu cầu rút tiền, sẽ được gia hạn thời gian gửi tiết kiệm. Các kỳ hạn dài hơn như 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng và 60 tháng đều giữ mức 6,5%/năm”.

 Còn tại một ngân hàng cổ phần khác, khi được hỏi về lãi suất USD, dù bảng niêm yết công khai ghi là 0%/năm, nhưng cô nhân viên lấp lửng nói: “Tùy khoản tiền chị muốn gửi là bao nhiêu thì du di được”.

Đua vì sợ siết cho vay BĐS?

Chỉ thị 01 ban hành về điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có một điểm đáng chú ý đề cập tới việc thực hiện lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng. Theo đó, người đứng đầu NHNN đã yêu cầu tổ chức tín dụng không áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động; nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn. Bên cạnh đó, cơ quan này nhấn mạnh sẽ cho thanh tra, giám sát ngân hàng về việc chấp hành các quy định về lãi suất huy động đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Chánh thanh tra NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, cơ quan này đang cho cán bộ thanh tra theo dõi sát thị trường. “Chúng tôi đã đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2016. Khi thanh kiểm tra một số tổ chức tín dụng sẽ  xem xét phần việc này”, ông Nghĩa nói. 

Phân tích về “hiện tượng” lãi suất huy động tăng cao của một số ngân hàng, Cty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) chỉ ra: Các mức lãi suất này chỉ áp dụng cho kỳ hạn dài và đối tượng khách VIP, với số tiền gửi rất lớn (hàng chục tỷ đồng trở lên). Do vậy mức lãi suất này sẽ không ảnh hưởng đến đa số người gửi tiền hiện nay (tức là người gửi bình thường cũng không được lợi gì - PV). BVSC cũng đồng thời cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến quyết định tăng mạnh lãi suất ở các kỳ hạn dài của các ngân hàng trên là nhằm củng cố nguồn vốn trung dài hạn. Nhất là trong bối cảnh sửa đổi Thông tư 36 dự kiến tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn trên tổng vốn ngắn hạn giảm 60% về 40% (để đảm bảo các khoản vay dài hạn, ngân hàng sẽ phải hoặc tăng vốn hoặc tăng huy động vốn).

Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, Thông tư 36 dự kiến sửa đổi rõ ràng đang hướng đến mục tiêu “siết” dòng vốn tín dụng đang cho vay BĐS. “Hiện phân khúc cao cấp đã có dấu hiệu bội thực hàng nên ngân hàng buộc phải siết lại nhằm hạn chế rủi ro”, ông Hiếu nói. Ông Hiếu cũng nhấn mạnh: “Trong cuộc đua này, thiệt thòi lớn nhất sẽ là những người dân đang vay và mua bán BĐS theo kiểu kinh doanh. Việc tiếp cận nguồn vốn của những đối tượng này sẽ khó khăn. Còn được lợi tất nhiên là người có tiền gửi nhiều và sự an toàn cho nền kinh tế”. 

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Bùi Quốc Dũng thừa nhận đang có một số tác động chính đối với mặt bằng lãi suất hiện nay. Tính đến cuối tháng 2/2016, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng phổ biến ở khoảng 6-9%/năm với kỳ hạn ngắn; 9-11%/năm đối với trung, dài hạn; giảm khoảng 0,2-0,5%/năm so với đầu năm 2015, trong đó lãi suất cho vay trung dài hạn giảm 0,3- 0,5%/năm, bằng 50% mặt bằng cuối năm 2011 và thấp hơn giai đoạn 2005- 2006. “Tuy nhiên, sang năm 2016, trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế có nhiều biến động theo hướng không thuận lợi, áp lực huy động vốn Trái phiếu Chính phủ tiếp tục tăng cao và nhu cầu tín dụng trung dài hạn gia tăng thì áp lực lên mặt bằng lãi suất rất lớn”, ông Dũng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Huyền - Quỳnh Nga (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN