Đồng nhân dân tệ thiệt hại lớn nhất 21 năm

Động thái giảm tỉ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ so với đồng USD xuống mức kỷ lục 1,9% hôm 11-8 và 1,6% hôm 12-8 của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) gây ra tình trạng hỗn loạn toàn cầu.

“Động thái đó sẽ khởi đầu vòng luẩn quẩn ở nhiều quốc gia khác nhau cố giảm giá tiền tệ của họ” - ông Wee-Ming Ting, chuyên gia tại Công ty TNHH Quản trị tài sản Pictet, nhận xét.

Các chuyên gia cho rằng động thái giảm giá đồng nhân dân tệ lẽ ra không xảy ra vào thời điểm tệ hại nhất đối với một số loại tiền tệ châu Á.

Đồng nhân dân tệ thiệt hại lớn nhất 21 năm - 1

Đồng nhân dân tệ giảm giá đã khiến cho tiền tệ nhiều quốc gia châu Á đồng loạt giảm giá. Ảnh: THE AUSTRALIAN

Lâu nay, đồng nhân dân tệ vẫn là nguồn duy trì sự ổn định tiền tệ ở châu Á trong thời gian diễn ra các cuộc khủng hoảng trước đây.

Thế nhưng, sự thay đổi chính sách của Trung Quốc để hỗ trợ các nhà xuất khẩu và ngăn chặn tình trạng sụt giảm tăng trưởng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ năm 1990 làm gia tăng nguy cơ diễn ra các động thái giảm giá tiền tệ mang tính cạnh tranh trong khi mức cầu trên toàn cầu suy giảm.

Với việc PBOC giảm tỉ lệ tham chiếu đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012, loại tiền tệ này đã gánh chịu mức thiệt hại lớn nhất trong vòng 21 năm.

Trong khi đó, các loại tiền tệ châu Á cũng đồng loạt giảm giá, trong đó tiền tệ của Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore chịu thiệt hại nhiều nhất. Đồng won của Hàn Quốc giảm 0,8% và đồng đô-la Đài Loan giảm 0,3%, đồng rupiah của Indonesia giảm 1,9%, peso của Philippines giảm 0,5%.

Đặc biệt, ringgit của Malaysia giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1998, còn đô-la Singapore giảm xuống thấp nhất trong vòng 5 năm.

Tất cả mọi loại tiền tệ lớn ở châu Á đều giảm giá do lo ngại đồng nhân dân tệ suy yếu sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách trong khu vực hạ tỉ lệ hối đoái của họ trong khi các mặt hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc không có đối thủ cạnh tranh.

“Động thái giảm giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc khiến thị trường cảnh giác. Chúng ta cần xem xét liệu nhà chức trách Trung Quốc có tiếp tục giảm giá tiền tệ nữa hay không” - ông Khoon Goh, chiến lược gia cao cấp về hối đoái của Ngân hàng ANZ, nhấn mạnh.

Trong khi vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có tiếp tục giảm giá đồng nhân dân tệ nữa hay không, các nhà đầu tư đánh giá các hãng hàng không Trung Quốc và các nhà sản xuất ô tô sang trọng của châu Âu là những doanh nghiệp chịu thiệt hại trước tiên.

Các hãng hàng không Trung Quốc phần lớn vay nợ bằng USD, nên khi đồng nhân dân tệ suy yếu, số tiền phải trả của họ sẽ tăng lên và hoa lợi của họ chắc chắn sẽ giảm nhiều. Các chuyên gia tiền tệ cho rằng động thái bất ngờ của PBOC hôm 11-8 là phản ứng trước mức xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 giảm đáng kể và làm tăng nguy cơ giảm phát.

Thêm vào đó, trong khi động thái giảm giá đồng nhân dân tệ sẽ giúp hỗ trợ mức tăng trưởng, có thể PBOC sẽ giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại trong tháng 8 và sẽ cắt giảm tỉ lệ lãi suất trong quý này, là lần thứ năm trong 1 năm.

Đặc biệt, động thái bất ngờ của Trung Quốc làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tiền tệ khi các nhà xuất khẩu tìm kiếm tỉ lệ hối đoái thấp hơn để có thể cạnh tranh với nhau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoài Vy (Người lao động/ Bloomberg)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN