Đọ tài sản các đại gia đua thâu tóm khách sạn Kim Liên

Các đại gia nghìn tỷ muốn tham gia vào “trận đánh” quanh khách sạn Kim Liên có điểm chung tương đối thú vị là đều tham gia lĩnh vực bất động sản.

Sức hút của khách sạn Kim Liên

Ngày 15/12 là ngày cuối cùng chốt danh sách nhà đầu tư tham gia đấu giá 3,65 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 52,43% mà Tổng công ty Đầu tư vốn nhà nước (SCIC) dự định thoái tại Công ty du lịch Kim Liên - đơn vị đang trực tiếp quản lý khách sạn và nhà hàng Kim Liên.

Cuộc đua mua lại khách sạn Kim Liên đã nóng ngay từ khi SCIC thông báo sẽ thoái vốn tại công ty này với giá khởi điểm mỗi cổ phiếu là 30.600 đồng. Tổng giá trị của đợt thoái vốn theo giá khởi điểm khoảng 112 tỷ đồng.

Mới đây nhất, Tập đoàn Thaigroup của Bầu Thụy cũng chính thức đánh dấu tên trong bảng danh sách các công ty, cá nhân đăng ký mua cổ phần của Công ty Du lịch Kim Liên. Thaigroup là công ty được thành lập năm 2007, tiền thân là Công ty Xuân Thành Group của doanh nhân Nguyễn Đức Thụy - thường gọi là Bầu Thụy. Công ty có vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng.

Ngành nghề kinh doanh chủ yếu là bất động sản, nghỉ dưỡng, xây dựng, sản xuất xi măng. Bầu Thụy từng có thời gian mở rộng đầu tư sang bóng đá, chứng khoán…

Công ty Cơ điện lạnh (Mã CK: REE) của doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh cũng vừa thông báo sẽ tham gia vào cuộc đua này. Công ty đang có vốn điều lệ khoảng 2.690 tỷ đồng. Với tiềm lực tài chính dồi dào, REE được kỳ vọng là cái tên có thể làm nên chuyện tại phiên đấu giá này.

Đọ tài sản các đại gia đua thâu tóm khách sạn Kim Liên - 1

Hàng loạt các nhà đầu tư là các công ty, tập đoàn lớn trên cả nước đã đăng ký mua lại Khách sạn Kim Liên.

Trước đó, hàng loạt các nhà đầu tư là các công ty, tập đoàn lớn trên cả nước đã đăng ký mua lại Khách sạn Kim Liên như: Văn Phú Invest, Tổng công ty du lịch Hà Nội, Tổng công ty Bảo hiểm Bưu Điện, Tập đoàn Phú Mỹ, Tập đoàn Phúc Lộc, Tập đoàn Xây dựng miền Trung...

Theo con số chính thức mà ông Nguyễn Viết Thắng – Phó TGĐ Cty cổ phần Chứng khoán Phố Wall cung cấp trên báo Diễn đàn Doanh nghiệp, đến thời điểm hiện tại có 36 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá Công ty CP Du lịch Kim Liên. Trong đó có rất nhiều đơn vị, tổ chức với tên tuổi lớn đến từ các lĩnh vực khác nhau như: xây dựng công trình nhà ở, dân dụng; Kinh doanh bất động sản; du lịch lữ hành; kinh doanh thiết bị điện – điện tử… với vốn điều lệ lên tới hàng nghìn tỷ đồng như: TCty du lịch Hà Nội, TCty cơ điện lạnh, Thaigroup, Tập đoàn xây dựng Miền Trung, TCty Bảo hiểm Bưu điện… và trải dài trên khắp các vùng miền trong cả nước.

Cũng theo ông Thắng, sức hút của Khách sạn Kim Liên lớn như vậy là bởi:

Thứ nhất, khách sạn Kim Liên là một trong những khách sạn có bề dày truyền thống nhất tại Hà Nội. Hơn nữa, điểm thu hút lớn nhất của Khách sạn Kim Liên đối với các nhà đầu tư chính là việc quản lý và sử dụng lô đất với diện tích lên tới 3,5 ha tại Số 5-7 Đào Duy Anh, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội. Đây được coi là “mảnh đất vàng” duy nhất còn sót lại của 4 quận nội thành. Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi các nhà đầu tư nhất là những nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản lại dành nhiều sự quan tâm đặc biệt cho khách sạn Kim Liên như vậy.

Thứ hai, đợt chào bán sắp tới của SCIC tại khách sạn Kim Liên lên tới 52,43% vốn điều lệ của Công ty CP Du lịch Kim Liên. Đặc biệt, hình thức đấu giá trọn lô cổ phần khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sau khi nắm giữ được cổ phần tại Cty sẽ nắm quyền chi phối và định hướng sự phát triển của Cty. Bên cạnh đó, đấu giá trọn lô cổ phần là hình thức rất mới mẻ và khác biệt so với các hình thức đấu giá trước đây. Điểm ưu việt của hình thức đấu giá này là nhà đầu tư có cơ hội mua toàn bộ số cổ phần chào bán.

Đại gia nào giàu nhất?

Báo Tri thức Trực tuyến đưa tin, những cái tên xuất hiện trong danh sách các đơn vị tham gia thâu tóm khách sạn Kim Liên khi được công bố cũng khiến cho thị trường bất ngờ. Trong số này, có sự xuất hiện của nhiều ông lớn với vốn điều lệ lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Nổi lên ở vị trí hàng đầu là Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourist), một đơn vị có thâm niên trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, lữ hành.

Đơn vị này đang sở hữu và vận hành rất nhiều khách sạn lớn nhỏ tại thủ đô như Sofitel Legend Metropole, InterContinental, Pullman Hanoi, Hilton Hanoi Opera và Hotel De L’Opera…

Vốn điều lệ của doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước này lên đến 2.850 tỷ đồng. Đây cũng được cho là đại gia “đầm” tiền nhất trong danh sách những ông lớn ngấp nghé khách sạn Kim Liên.

Vị trí thứ hai trong cuộc chạy đua thâu tóm Khách sạn Kim Liên là Tổng công ty Cơ điện lạnh Hà Nội (REE) của doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh.

Trong những năm qua, REE được biết là doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả với vốn điều lệ 2.691 tỷ đồng.

Ngoài lĩnh vực kinh doanh chính là cơ điện lạnh thì đơn vị này còn tham gia đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực như thủy điện, nhiệt điện, bất động sản, đầu tư chứng khoán,…

Vào ngày cuối cùng chốt danh sách đấu giá, cái tên gây bất ngờ là Tập đoàn Thaigroup của ông Nguyễn Đức Thụy.

Doanh nghiệp này tiền thân là Tập đoàn Xuân Thành, thành lập năm 2007 với vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng. Công ty của bầu Thụy kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, nghỉ dưỡng, xây dựng, sản xuất xi măng…

Hai tập đoàn có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng khác cũng tham gia đấu giá khách sạn Kim Liên là Tập đoàn Xây dựng Miền Trung và Tập đoàn Phúc Lộc.

Hiện tại, Tập đoàn Xây dựng Miền Trung đã và đang thi công nhiều công trình xây dựng, đường giao thông, quốc lộ ở tỉnh Thanh Hóa.

Tập đoàn Phúc Lộc là chủ đầu tư Vân Long Resort, dự án khu biệt thự sinh thái và nhà ở liền kề tại Hưng Yên.

Vị trí tiếp theo thuộc về hai công ty có vốn điều lệ xấp xỉ 1.100 tỷ đồng là Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi và Tập đoàn Trường Thịnh.

Trong khi Cường Thịnh Thi là một doanh nghiệp khá kín tiếng thì Trường Thịnh được biết đến rộng rãi tại miền Trung do là đơn vị đầu tư khai thác Động Thiên Đường, khu nghỉ dưỡng Sun Spa Resort đầu tiên Quảng Bình và nhiều dự án xây dựng đường quốc lộ tại khu vực miền Trung.

Với tham vọng sở hữu khu đất vàng nên nhiều doanh nghiệp bất động sản có tiếng cũng tham gia cuộc đua như Văn Phú Invest (chủ dự án KĐT Văn Phú, Home City Trung Kính), Công ty Đầu tư phát triển Hoàng Thành (liên doanh dự án Park City Hà Nội, Hoàng Thành Tower), CTCP Đầu tư Hải Phát...

Đây đều là những cá tên tham gia từ những ngày đầu khi có thông tin SCIC thoái vốn khỏi Công ty cổ phần du lịch Kim Liên.

Các đại gia nghìn tỷ muốn tham gia vào “trận đánh” quanh khách sạn Kim Liên có điểm chung tương đối thú vị là đều tham gia lĩnh vực bất động sản.

Thậm chí, trong số này, một đơn vị với ngành kinh doanh không liên quan gì đến nhà đất song muốn có cơ hội sở hữu khu đất vàng khách sạn Kim Liên đã bổ sung ngành nghề.

Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI) là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm với vốn điều lệ là 804 tỷ đồng.

Ngày 2/12 vừa qua, Hội đồng quản trị doanh nghiệp này đã phải nhóm họp để bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh bất động sản và tham gia cuộc chạy đua thâu tóm khu đất vàng trên.

Thực tế, buổi đấu giá cổ phần Công ty cổ phần du lịch Kim Liên (KLC) được quan tâm đặc biệt bởi đơn vị này đang quản lý trực tiếp khách sạn Kim Liên.

Khách sạn này tọa lạc trên khu đất 3,5 ha với thời hạn thuê 50 năm kể từ năm 1993, tiền thuê đất được trả hàng năm. Đây được cho là khu đất vàng hiếm hoi với diện tích rộng ở khu vực trung tâm Hà Nội.

Công ty Du lịch Kim Liên chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng và dịch vụ ăn uống, kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày. Năm 2014, doanh thu đơn vị này đạt 127 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 13,5 tỷ đồng.

Ngoài SCIC, hiện công ty còn có các cổ đông lớn như GPBank sở hữu 21,6%, Công ty Tài chính bưu điện PTFinace 6,7%, GP Invest chiếm 6,6%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Anh (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN