“Đại gia Việt” ăn theo BIDV

Cùng với khối ngoại, BIDV góp phần khiến “đại gia Việt” hút khách.

Sàn Thành phố Hồ Chí Minh

Hai phiên giao dịch cuối tuần trước, sàn Thành phố Hồ Chí Minh bật tăng mạnh mẽ nhờ động thái đổ tiền vào blue-chip của khối ngoại. Tới phiên đầu tuần mới, khối ngoại vẫn duy trì phong độ trong khi thị trường đón thông tin hỗ trợ mới. Đó là cổ phiếu của ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV niêm yết với mã BID.

Cụ thể, vào ngày 24/1 tới đây, BID sẽ giao dịch trên Hose với 2,81 tỷ cổ phiếu ở mức giá tham chiếu chào sàn là 18.700 đồng/CP. Giá trị vốn hóa thị trường của BIDV đạt xấp xỉ 52,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD. 

Thông tin này khiến sàn Thành phố Hồ Chí Minh đang sôi động nay càng sôi động hơn. Đợt 1, VN-Index “chỉ” tăng 4,63 điểm. Tới 10h26, thị trường đạt “đỉnh” khi VN-Index vọt tăng hơn 10 điểm, chạm ngưỡng 560 điểm. Cuối phiên thị trường dịu lại nhưng VN-Index vẫn có mức tăng rất cao.

Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index tăng 10,08 điểm, tương ứng 1,85% và dừng ở mức 553,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 105.722.499 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 1.969,19 tỷ đồng, giảm so với cuối tuần trước nhưng vẫn ở mức rất cao. Tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận là 3.741.799 cổ phiếu, tương ứng 73,14 tỷ đồng. Toàn sàn có có 93 mã tăng giá, 57 mã đứng giá và 138 mã giảm giá.

VN30-Index có tốc độ tăng mạnh hơn VN-Index rất nhiều. Chốt phiên giao dịch ngày 20/1, VN30-Index tăng 15,19 điểm, tương ứng 2,51% và dừng ở mức 620,69 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 39.268.420 cổ phiếu, tương ứng 1.238,15tỷ đồng, giảm mạnh so với cuối tuần trước. Trong nhóm có 18 mã tăng giá, 5 mã đứng giá và 7 mã giảm giá. 

Việc khối ngoại đẩy mạnh mua vào cổ phiếu đại gia Việt tiếp tục là nguyên nhân chính khiến VN-Index tăng vọt. Bên cạnh đó, thị trường còn được nâng đỡ bởi thông tin BID sắp niêm yết trên Hose.

Cụ thể, hôm nay, khối ngoại vẫn đổ mạnh tiền vào blue-chip. Những mã được khối ngoại ưu ái có thể kể đến như DPM, ITA, STB, VCB, HPG, VIC,… Trong các mã này, hầu hết các mã đều tăng mạnh, ngoại trừ ITA giảm 100 đồng/CP xuống 6.600 đồng/CP.

Trong nhóm kể trên, cổ phiếu ngành tài chính, ngân hàng được hưởng lợi lớn từ thông tin BID sắp niêm yết. STB tăng trần, tăng 1.300 đồng/CP lên 20.300 đồng/CP, BVH tăng trần, tăng 2.800 đồng/CP lên 44.200 đồng/CP, VCB tăng 800 đồng/CP lên 29.200 đồng/CP, EIB tăng 100 đồng/CP lên 13.200 đồng/CP, MBB tăng 100 đồng/CP lên 13.300 đồng/CP.

Ngoài cổ phiếu tài chính, ngân hàng, rất nhiều blue-chip tăng mạnh. DPM suýt tăng trần, tăng 3.000 đồng/CP lên 48.700 đồng/CP. HPG tăng 1.500 đồng/CP lên 52.000 đồng/CP, GAS tăng 500 đồng/CP lên 77.500 đồng/CP, VIC tăng 3.500 đồng/CP lên 76.000 đồng/CP,…

Công ty chứng khoán FPTS nhận định trong ngắn hạn khả năng thị trường có sự phân hóa mạnh mẽ. Dòng tiền sẽ tập trung mạnh vào các cổ phiếu cơ bản tốt (thường là nhóm cổ phiếu Blue-chip) do các cổ phiếu này sẽ được hỗ trợ từ kết quả kinh doanh quý 4.

Đồng thời do tâm lý đầu tư của giới đầu tư ngoại thường tập trung vào các cổ phiếu cơ bản tốt nên nhóm cổ phiếu này được lợi từ việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, Do vậy đối với nhà đầu tư lướt sóng vẫn có thể mua vào các cổ phiếu Blue-chip và nên giảm tỷ lệ nắm giữ đối với cổ phiếu mang tính đầu cơ. Nhà đầu tư dài hạn vẫn nên mua vào các cổ phiếu cơ bản tốt.  

Sàn Hà Nội

Dòng tiền quá trập trung vào blue-chip trên sàn Thành phố Hồ Chí Minh nên sàn Hà Nội bị bỏ ngỏ. Chính vì vậy, Dù VN-Index có 2 phiên liên tiếp tăng hơn 10 điểm thì HNX-Index vẫn chịu số phận hẩm hiu là giảm điểm.

Kết thúc phiên giao dịch 20/1/2014, HNX-Index giảm 0,28 điểm, tương ứng 0,39% và đóng cửa ở mức 72,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt 56.918.335 cổ phiếu, tương ứng 779,61 tỷ đồng, giảm mạnh so với cuối tuần trước. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 8.331.851 cổ phiếu, tương ứng 334,97 tỷ đồng.

Toàn sàn ghi nhận 80 mã tăng giá, 46 mã đứng giá và 138 mã giảm giá.

HNX30-Index giảm mạnh hơn HNX-Index. Đóng cửa phiên 20/1, HNX30-Index giảm 0,75 điểm, tương ứng 0,54% và đóng cửa ở mức 139,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 27.297.100 cổ phiếu, tương ứng 319,99 tỷ đồng, giảm mạnh so với cuối tuần trước. Trong nhóm có 4 mã tăng giá, 3 mã đứng giá và 22 mã giảm giá.

Giống như phiên giao dịch cuối tuần trước, blue-chip trên sàn Hà Nội tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt thị trường nhưng dẫn dắt theo chiều đi xuống. Blue-chip là “tội đồ” đẩy HNX-Index giảm điểm. Có tới 22/30 cổ phiếu vốn hóa lớn đi xuống khiến sàn Hà Nội chìm trong sắc đỏ.

Chỉ 3 mã blue-chip hiếm hoi tăng giá. Đó là OCH, PVS và SHB. 2 trong 3 cổ phiếu này thuộc ngành tài chính ngân hàng. OCH tăng 100 đồng/CP lên 27.500 đồng/CP, PVS tăng 300 đồng/CP lên 26.300 đồng/CP, SHB tăng 100 đồng/CP lên 7.200 đồng/CP.

Trong khi không mua cổ phiếu OCH nào, khối ngoại mạnh tay vào mua vào PVS và SHB giúp 2 blue-chip này tăng điểm. Khối ngoại mua vào 782.300 đơn vị PVS và mua 1.043.200 đơn vị SHB. VND dù được khối ngoại mua nhiều tới 1.663.900 đơn vị nhưng vẫn giảm giá về cuối phiên.

Số lượng blue-chip giảm giá áp đảo số mã tăng giá. ACB giảm 100 đồng/CP xuống 16.400 đồng/CP, BVS giảm 400 đồng/CP xuống 11.900 đồng/CP, KLS giảm 200 đồng/CP xuống 9.300 đồng/CP, VND giảm 100 đồng/CP xuống 13.100 đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngân Hà
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN