Cú sốc mang tên đại gia Thái Lan

Trước sự thâu tóm ồ ạt hệ thống bán lẻ tại Việt Nam của các đại gia Thái Lan, giới đầu tư cũng như người tiêu dùng Việt đang lo ngại số phận hàng Việt sẽ long đong, bị hất văng khỏi các siêu thị ngay tại sân nhà.

Thậm chí có người còn dự báo nếu kịch bản xấu xảy ra thì các ngành sản xuất trong nước sẽ rơi vào cảnh bị chèn ép, có thể rơi vào tình trạng sụp đổ. Đơn giản ai nắm được hệ thống phân phối người đó sẽ quyết định sản xuất.

Lo lắng này là có cơ sở. Thực tế khi hệ thống bán lẻ rơi vào tay người Thái xem như họ đã nắm trọn các mô hình bán lẻ ở Việt Nam từ buôn bán sỉ đến siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Từng bước họ đẩy hàng Việt văng ra.

 “Trái cây, hoa quả trong nước phải nhường chỗ hoặc bị hoa quả ngoại đánh bật khỏi các quầy, kệ siêu thị. Điều này khiến hoa quả Việt ngày càng bị đẩy ra vỉa hè, lề đường là một thực tế đáng được báo động” - ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cảnh báo.

Rõ ràng đây là một thách thức lớn với công ty trong nước. Nhưng cần phải minh định rõ, các nhà đầu tư Thái Lan nói riêng và nhà đầu tư ngoại nói chung mua lại các siêu thị ở Việt Nam là điều tất yếu trong xu thế hội nhập. Với cái nhìn dài hạn, chiến lược bài bản họ đang ghi nhiều bàn thắng trên đất Việt.

Đó là thực tế chúng ta phải thừa nhận. Đồng thời nên nhìn việc sáp nhập, mua bán, thôn tính như một cơ hội cho công ty nội vì chính từ áp lực cạnh tranh của hàng ngoại buộc công ty trong nước phải thay đổi, thích nghi với tình hình mới. Giậm chân tại chỗ sẽ “chết”. Trong cuộc đua khốc liệt này không có chỗ cho sự trì trệ, chậm chân và tâm lý ỉ lại sân nhà.

Đồng ý rằng hành lang pháp lý hiện nay còn nhiều vấn đề phải hoàn thiện nhằm đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng. Nhưng suy cho cùng, người tiêu dùng chính là người quyết định sẽ mua mặt hàng nào. Như vậy, câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi hàng Việt có bị lép vế, có bị hất văng ra khỏi hệ thống bán lẻ hay không phụ thuộc phần lớn vào khả năng cạnh tranh của hàng Việt với hàng Thái, của doanh nghiệp Việt với đối thủ Thái chứ không chỉ vì hệ thống bán lẻ rơi vào tay người Thái!

Khi giải được điểm cốt tử này thì cục diện bán lẻ Việt Nam sẽ thay đổi. Và như vậy các công ty Việt không còn nơm nớp lo sợ phải trở thành người chỉ đi làm thuê cho đại gia Thái.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đình Long (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN