Cổ phần hóa kiểu 'siêu nhỏ giọt'

Sự kiện: Kinh Doanh

Tính đến nay dù đã có 96,5% doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được cổ phần hóa nhưng tổng số vốn cổ phần hóa chỉ có 8%.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: “Hiện còn tới 92% vốn nhà nước chưa được cổ phần hóa, đồng nghĩa với việc chưa thu hút được mạnh mẽ nguồn vốn của tư nhân tham gia vào các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ”.

Theo thống kê của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thì số doanh nghiệp Nhà nước tiến hành IPO qua sàn này trong ba tháng đầu năm chỉ là 4 doanh nghiệp trong khi con số này trên sàn HSX chỉ là 2.

Quy mô vốn Nhà nước bán được trong các phiên đấu giá này cũng ở mức khiêm tốn (chỉ vài chục tỷ đồng). Tuy vậy, hoạt động thoái vốn tại các doanh nghiệp đã cổ phần đã cho những tín hiệu khởi sắc hơn.

Cổ phần hóa kiểu 'siêu nhỏ giọt' - 1

Tổng kết ba tháng đầu năm, Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết: “Các đơn vị đã thoái được tổng cộng 3.072 tỷ đồng, thu về 14.236 tỷ đồng. Trong đó, riêng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bán vốn tại 15 doanh nghiệp với giá trị 1.333 tỷ đồng, thu về 12.139 tỷ đồng. Đáng chú ý, riêng phần vốn SCIC thoái tại Vinamilk đạt giá trị 783 tỷ đồng, thu về 11.286 tỷ đồng (chiếm 93%)”.

Lý giải vì sao các DNNN luôn “chây ỳ” việc cổ phần hóa, bà Trần Hải Yến, chuyên gia phân tích vĩ mô cho rằng: Có một số nguyên nhân khiến cho tiến trình cổ phần hóa các DNNN hiện nay còn nhiều vướng mắc. Thứ nhất đó là do cầu trên thị trường chứng khoán trong một số thời điểm không thật sự thuận lợi. Thứ hai là do công tác thông tin, giới thiệu tới nhà đầu tư còn chưa tốt khiến các đợt IPO chưa thu hút.

Thứ ba là do tỷ lệ Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối sau cổ phần hóa tại một số doanh nghiệp còn lớn, làm giảm mức độ hấp dẫn với nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp. Thứ tư, mức giá đấu đưa ra chưa phù hợp với kỳ vọng của nhà đầu tư, dẫn đến tỷ lệ bán được thấp”.

Được biết, Bộ Tài chính đang xây dựng, trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo nghị định mới là bổ sung thêm phương thức bán cổ phần lần đầu.

Hiện tại, bán cổ phần lần đầu được thực hiện theo 3 phương thức là: đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành và thỏa thuận trực tiếp. Tuy nhiên, trong dự thảo nghị định mới đã bổ sung thêm một phương thức là dựng sổ. Đây được đánh giá là phương thức có nhiều ưu điểm, được sử dụng phổ biến trên thế giới do mức giá được đưa ra sát với cung – cầu thực tế, giúp tăng khả năng thành công của các đợt chào bán.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo T.Linh (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN