Chuyên gia WB nói gì về khả năng trả nợ của Việt Nam?

Trước tình trạng nợ công của Việt Nam hiện chiếm 62,5%GDP, đại diện WB khẳng định, với tỷ lệ nợ công hiện vào khoảng 62,5%GDP thì Việt Nam hoàn toàn đủ sức chi trả và khả năng trả của Chính phủ Việt Nam với những khoản nợ đến hạn là 100%.

Đó là nhận định được đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra tại buổi công bố Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương do WB công bố ngày 11/4 tại Hà Nội.

Theo báo cáo của WB, mặc dù được đánh giá là nước có tốc độ tăng trưởng tốt so với các nước trong khu vực Đông Nam Á song WB cho rằng, tăng trưởng GDP năm 2016 có thể giảm. Dựa trên điều kiện hiện tại, WB đưa ra mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2016 khoảng 6,2%, thay vì mức 6,5% mà cơ quan này đưa ra trước đó.

Lý giải về sự điều chỉnh giảm này, ông Sandeep Mahajan - chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do những tác động từ thiên tai tới lĩnh vực nông nghiệp (tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long…) và do xuất khẩu đang sụt giảm, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm.

Chuyên gia WB nói gì về khả năng trả nợ của Việt Nam? - 1

Ông Sandeep Mahajan - chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam

“Tăng trưởng xuất khẩu đã giảm xuống mức 8% do giá thực phẩm và giá nguyên liệu giảm, và chỉ được bù trừ một phần nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm chế tạo. Trong khi đó, nhập khẩu lại tăng nhanh, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu ròng bị giảm nhẹ”- ông Sandeep Mahajan đánh giá.

Báo cáo của WB cũng cho hay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm so với năm 2015 và đạt mức thấp nhất kể từ năm 2001. Tỷ giá hối đoái so với đồng USD được điều chỉnh trong năm 2015 để ứng phó với biến động trên thị trường tài chính toàn cầu.

Theo phân tích của các chuyên gia WB, tháng 1/2016 Ngân hàng Nhà nước đã được áp dụng một chính sách tỷ giá linh hoạt hơn, trong đó có biện pháp quy định tỷ giá tham chiếu hàng ngày. Tuy vậy, tổng dự trữ ngoại tệ đã giảm xuống mức hai tháng nhập khẩu càng làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc từ bên ngoài.

Thâm hụt tài khóa đạt 6,5% GDP trong năm 2015 là kết quả của giảm thu và tăng chi đầu tư cơ bản và chi thường xuyên. Yếu tố này đã làm áp lực tài khóa tăng lên. Ước tính, nợ công và nợ do Nhà nước bảo lãnh đã đạt mức 62,5% trong khi năm 2014 là 65%. Do vậy, các khoản nợ này có thể sẽ nhanh chóng chạm mức trần do luật quy định là 65%.

Trước tình hình này, WB cũng đưa ra dự báo, lạm phát năm 2016 của Việt Nam sẽ là 3,5% so với mức thấp 0,6% năm 2015.

Cùng với đó tình trạng nợ công tăng nhanh, trong khi dự trữ ngoại hối thấp và đang có xu hướng giảm, gây nên nhiều quan ngại. Liên quan tới tình hình nợ công, nợ Chính phủ đang tăng nhanh, trả lời câu hỏi của báo chí, chuyên gia kinh tế trưởng của WB trấn an, không có thước đo chung về nợ công đối với tất cả các quốc gia.

Theo ông Sandeep, mức độ bền vững của nợ công được đánh giá tùy thuộc vào tiềm lực tài chính, sức mạnh kinh tế của từng nước. Chẳng hạn như Nhật Bản, kể cả khi nợ công đã vượt trên 200% thì tình hình tài chính của nước này vẫn rất ổn, trong khi đó có những quốc gia, nợ công chỉ cần lên đến 50% GDP là đã rất nguy hiểm.

“Nợ ngắn hạn tới thời điểm trả của Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng lớn, tạo áp lực trả nợ ngắn hạn và trung hạn. Tuy nhiên, với tỷ lệ nợ công hiện vào khoảng 62,5%GDP thì Việt Nam hoàn toàn đủ sức chi trả, và khả năng trả của Chính phủ Việt Nam với những khoản nợ đến hạn là 100%” – ông Sandeep nói.

Điều khiến chuyên gia kinh tế trưởng của WB lo lắng không phải là khả năng trả nợ của Việt Nam, mà là tình hình ngân sách. Theo ông, khi áp lực trả nợ gốc và lãi tăng lên, không gian cho chính sách tài khóa của Việt Nam sẽ bị thu hẹp và ảnh hưởng đến các khoản chi cho đầu tư phát triển, chi cho phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế...

"Chúng tôi không khuyến nghị Chính phủ phải lập tức đưa thâm hụt cán cân ngân sách về 0% ngay trong nay mai nhưng rõ ràng là cần có kế hoạch giảm tỉ lệ bội chi trong trung hạn" – chuyên gia kinh tế trưởng của WB khuyến cáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trường Giang (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN