CHÍNH THỨC: Việt Nam hoàn tất đàm phán TPP

VN, Mỹ và 10 quốc gia khác đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, xóa bỏ thuế xuất khẩu hoặc chỉ duy trì ở mức hạn chế...

Mỹ và 11 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, cuối cùng cũng hoàn tất đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận tự do thương mại gây tranh cãi bấy lâu!

Đoàn Việt Nam tham dự đàm phán (tại thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ) do Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu, cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành và đại diện các Bộ, ngành liên quan đến TPP. 

Sau 5 ngày (dự kiến ban đầu là 3 ngày) đàm phán, đại diện các nước đã đạt được đồng thuận về tất cả các vấn đề còn tồn tại, trong đó có những vấn đề quan trọng như mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ, các quy định về lao động, doanh nghiệp nhà nước v.v..., chính thức kết thúc đàm phán TPP sau quá trình hơn 5 năm.

“Chúng tôi đã kết thúc thành công vòng đàm phán Hiệp định TPP”, đại diện thương mại Mỹ Michael Froman cho biết vào hôm nay (5.10).

CHÍNH THỨC: Việt Nam hoàn tất đàm phán TPP - 1

Mỹ cùng 11 nước châu Á - Thái Bình Dương kết thúc đàm phán TPP

Hiệp định TPP bao gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước...

Theo Bộ Công Thương, TPP là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao trên cơ sở cân bằng lợi ích và có lưu ý tới trình độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia. Hiệp định được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tất cả các nước tham gia; tạo việc làm, giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân; thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh; thúc đẩy minh bạch hóa và quản trị tốt; đồng thời củng cố các tiêu chuẩn về lao động và môi trường. 

Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia TPP đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; xóa bỏ thuế xuất khẩu hoặc chỉ duy trì ở mức hạn chế, không mở rộng thêm thuế xuất khẩu trong tương lai; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; mở cửa đấu thầu mua sắm của các cơ quan trực thuộc Chính phủ; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên. 

Theo các chuyên gia Mỹ, hiệp định thương mại sẽ dịch chuyển các công việc và hợp đồng kinh doanh từ Mỹ ra nước ngoài, khi các doanh nghiệp nước này tìm kiếm lợi nhuận từ nguồn nhân lực giá rẻ ở các quốc gia đang phát triển.

TPP là một trọng điểm trong chương trình nghị sự thương mại của Tổng thống Obama và là việc ông luôn theo đuổi từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai. Hiệp định TPP phải được Quốc hội Mỹ và cơ quan lập pháp các nước thành viên phê chuẩn trước khi có hiệu lực.

Các quốc gia thành viên gồm – Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam – chiếm hơn 40% giá trị sản xuất kinh tế toàn cầu.

Mỹ và Nhật Bản – hai nền kinh tế lớn nhất và thứ ba thế giới – nắm trọng tâm các buổi thảo luận.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, không phải là một thành viên của TPP. Những nước tham gia hy vọng rằng hiệp định này có thể trung hòa sức mạnh quyền lực thương mại của Trung Quốc trong cán cân toàn cầu.

Các thỏa thuận thương mại luôn là “cột thu lôi” cho lĩnh vực chính trị và kinh doanh vì sẽ có kẻ thắng và người thua. Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ được đặt lên bàn đàm phán năm 1994 đến nay vẫn gây tranh cãi không nhỏ.

TPP không phải là một ngoại lệ. Froman, trưởng đại diện thương mại của Mỹ nói rằng các nhà đàm phán vẫn rất hăng hái bàn thảo đến sát thời điểm đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Một vấn đề gây tranh cãi là các công ty dược phẩm sẽ được cho phép bảo hộ thông tin của mình về dòng thuốc mà họ đang sản xuất trong thời gian bao lâu. Các công ty Mỹ yêu cầu một thời hạn dài hơn nhưng những quốc gia như Australia muốn thời gian này ngắn hơn.

Các công ty sản xuất thuốc cho rằng, việc kéo dài thời gian nghiên cứu sẽ khuyến khích việc đầu tư vào phát triển các loại thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên thời gian dài cũng làm giá thuốc tụt mạnh. Khả năng thỏa hiệp về vấn đề gây tranh cãi này là chìa khóa quan trọng để kết thúc vòng đàm phán.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Minh- Theo CNN, Bộ Công Thương VN ([Tên nguồn])
Hiệp định TPP: Cơ hội và thách thức Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN