“Chi phí logistics của Việt Nam chiếm 21 – 25% GDP”

Sự kiện: Kinh Doanh

Là một quốc gia với lợi thế nhiều cảng nước sâu, nhưng ngành logistics vẫn chưa thể trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn vì còn quá nhiều hạn chế. Một trong những hạn chế, rào cản đó chính là chi phí logistics của Việt Nam đang ở mức rất cao từ 21 - 25% GDP, trong khi các nước khác chỉ khoảng 7 – 15%.

Thông tin này được đưa ra sáng nay ngày 15.12, tại diễn đàn logistics Việt Nam năm 2017 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam” do Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận Tải, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Thời báo Kinh tế Việt Nam đồng tổ chức.

“Chi phí logistics của Việt Nam chiếm 21 – 25% GDP” - 1

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Logistics năm 2017 (Ảnh: Vneconomy)

Phát biểu tại  diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, nhấn mạnh Logistics phải được coi là một ngành dịch vụ cơ sơ hạ tầng, đóng vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các diễn giả cần tập trung làm rõ những kết quả đạt được trong thời gian qua cũng như các hạn chế còn tồn tại để từ đó có những giải pháp phù hợp và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Chi phí logistics của Việt Nam cao gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho biết tính theo tỉ trọng GDP, chi phí logistics của Việt Nam là 18%, cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu 14%. 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), cũng là chủ doanh nghiệp, cũng so sánh ở các nước, chi phí logistics chỉ trong khoảng từ 7-15% của GDP, trong khi đó ở Việt Nam chi phí logistics ở mức rất cao từ 21 - 25% GDP.

Ông Bình khẳng định, logistics hoàn toàn có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm ở nước ta nhưng chất lượng dịch vụ logistics chúng ta thấp và chi phí cao là do chúng ta chưa phát huy đúng những tiềm năng và lợi thế mạnh sẵn có chứ không phải quá khó khăn, không làm được.

"Dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể về cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao hiệu quả logistics, mà bằng chứng là việc thứ hạng của Việt Nam theo chỉ số năng lực logistics (LPI) đã giảm từ 48 năm 2014 xuống 64 năm 2016. Sự sụt giảm này cho thấy các nền kinh tế khác đang có sự thăng tiến nhanh hơn nhiều so với Việt Nam, đồng nghĩa với việc Việt Nam đang mất đi lợi thế cạnh tranh”, ông Ousmane Dione nhận định.

Ông Ousmane Dione khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cũng như khối kinh tế tư nhân cần có lộ trình rõ ràng về cải cách nếu muốn nâng cao chất lượng dịch vụ logistics theo những đòi hỏi tăng lên của một nền kinh tế ngày càng hiện đại. Trong nhiều lĩnh vực sẽ cần có những nhóm giải pháp để bổ sung cho việc tăng cường đáng kể đầu tư vào hạ tầng cơ sở.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), cho biết năm 2016, tổng chi phí logistics của Việt Nam là 41,26 tỷ USD, tương đương 20,8% GDP (nguồn Amstrong & Associates). Trong đó doanh thu của 100 công ty logistics hàng đầu Việt Nam năm 2016 là 8,74 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 15.6% (nguồn Biinform Databes).

“Điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam là chi phí dịch vụ còn chưa cạnh tranh tốt, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao, trong điều kiện thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam hiện nay có sự cạnh tranh gay gắt. Do đó, việc giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành dịch vụ logistics của Việt Nam hiện nay là một yêu cầu cấp bách”, ông Hiệp khuyến nghị.

Tạo sức bật cho ngành Logistics

Để ngành logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia đều cho rằng cần phải tiết giảm chi phí logistics. Cụ thể tháng 4.2017, Thủ tướng ký Quyết định 200/2017 ban hành kế hoạch hành động và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành Logistics đến 2025.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết hiện Bộ Công Thương cùng các bộ ngành khác đã và đang tập trung thực hiện những nhiệm vụ mà Thủ tướng giao trong Quyết định đó.

Ông Khánh  cho biết, trong thời gian qua, chúng ta cũng đã có một số trung tâm Logistics lớn ở các đầu tàu kinh tế quan trọng như Tp.HCM, Hà Nội, Hải Phòng…Tới đây, chúng ta sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển thêm các trung tâm Logistics để tạo thuận lợi hơn nữa cho ngành dịch vụ này. 2015 Thủ tướng cũng đã có Quyết định 1012/2015 về kế hoạch, quy hoạch phát triển các trung tâm Logistics.

“Nhưng tôi xin nhấn mạnh rằng, chúng ta sẽ không làm việc đó một cách duy ý chí, bởi luồng hàng hóa di chuyển thì trung tâm Logistics nó sẽ hình thành ở những nơi có nhu cầu lớn nhất. Chúng ta cần căn cứ theo những quy luật, những đòi hỏi khách quan đó, rồi nhà nước sẽ đưa ra những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chứ Nhà nước không làm thay một cách duy ý chí.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), cũng là chủ doanh nghiệp, cho rằng việc giao cho một bộ chuyên ngành như Bộ Giao thông - Vận tải trước đây hay Bộ Công Thương hiện nay đều gặp những hạn chế vì logistics là một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến nhiều lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh đang đẩy mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo và nông nghiệp thông minh.

“Chính phủ cũng cần quan niệm logistics là bài toán vĩ mô, không phải nhiệm vụ riêng của từng địa phương. Thực tế cho thấy, vì thiếu bàn tay điều hành trực tiếp ở cấp vĩ mô của Chính phủ nên các hoạt động logistics trở nên cục bộ không hiệu quả.

Ví dụ như khi cảng nước sâu Cái Mép của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ khai thác được 19% công suất vì thiếu chân hàng, thì cảng Cát Lái của Tp.HCM không phải cảng nước sâu, nằm sâu trong nội địa lại luôn quá tải”, đại biểu Bình phân tích.

Ông Bình đề nghị Chính phủ cần xác định lại, theo đó, xem logistics là một ngành kinh tế dịch vụ mũi nhọn trọng điểm để quản lý tập trung về logistics, có thể thông qua Ủy ban Quốc gia về logistics như một số các quốc gia khác đã làm.

Làm sao cán đích GDP 6,7%?

Các chuyên gia khẳng định có cách để GDP “cán đích”- 6,7% năm 2017 mà không cần khai thác thêm dầu thô, than đá.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Giang (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN