Cắt giảm thủ tục ở Bộ Công thương: “Cởi” mà không cải cách thì vẫn “trói”

Sự kiện: Kinh Doanh

Việc Bộ Công Thương cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, mà dư luận thường gọi là “giấy phép con” tạo nên sự phấn khởi cho cộng đồng doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, DN vẫn còn nhiều băn khoăn...

Mất cơ hội vì thủ tục

Cuối tháng 5/2017, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn ký hợp đồng để xuất khẩu 100 tấn mỡ cá vào thị trường Chile, dự kiến xuất hàng trong tháng 6/2017. Thủ tục nhập khẩu của Chile quy định phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hợp pháp (Certificate of Legal Origin). Công ty đã liên hệ và gửi công văn đến nhiều cơ quan thẩm quyền khác nhau bao gồm: Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Tổng cục Thủy Sản, Phòng Thương mại và Công nghiệp VCCI Cần Thơ, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, nhưng vẫn chưa có cơ quan nào xác nhận và chấp nhận cấp chứng từ nói trên. Kết quả, đã quá hạn xuất khẩu lô mỡ cá sang Chi-lê nhưng DN vẫn chưa biết phải liên hệ với cơ quan thẩm quyền nào để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hợp pháp cho lô hàng mỡ cá.

Ông Nguyễn Vân Long – chủ doanh nghiệp Vân Long chuyên nhập khẩu hạt điều kể khổ, hạt điều khi về đến Việt Nam phải “lượn” thêm ba lần đường nữa mới đến được DN. Cụ thể, hạt điều phải đi thông quan cảng TPHCM, sau đó đưa hàng đi thông quan tại Chi cục Hải quan của các tỉnh, thành phố (nơi họ đặt cơ sở sản xuất) rồi chính những container hạt điều này phải quay lại TP để làm thủ tục kiểm dịch thực vật. Cuối cùng, sau khi hoàn tất mới được chuyển từ TPHCM về các tỉnh và đến tay DN.

Cắt giảm thủ tục ở Bộ Công thương: “Cởi” mà không cải cách thì vẫn “trói” - 1

Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể vui dù được “cởi trói”. Ảnh: VP.

Một doanh nghiệp mới tham gia lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm cho biết, hiện có quá nhiều giấy phép con chỉ xét riêng về nguyên liệu. Chẳng hạn, một chiếc bánh có đến 12 nguyên liệu, thời gian xin giấy phép mỗi nguyên liệu mất 30 ngày, vậy tổng cộng mất hơn 300 ngày. Đây chỉ là một trong rất nhiều bằng chứng cho thấy, DN đang bị nhiều loại thủ tục, giấy phép con gây phiền hà.

Đại diện Công ty TNHH TMDV VietRat cho biết, công ty đang tiếp cận thị trường bằng các sản phẩm rau an toàn. Cái khó của DN là phải có giấy xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm. Để có được giấy thông hành này, DN phải nộp bộ hồ sơ khá phức tạp, gồm: giấy phép kinh doanh, giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, bản thông tin chi tiết về sản phẩm... Dù sản phẩm được sản xuất trên quy mô công nghiệp, có hệ thống quản lý chất lượng quốc tế hay sản phẩm mùa vụ của các cơ sở sản xuất nhỏ theo phương thức gia truyền thì hồ sơ vẫn tương tự nhau.

Nguy cơ có thêm giấy phép con

Theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, việc Bộ Công Thương chủ động yêu cầu đơn vị trực thuộc rà soát cắt giảm là tín hiệu rất tốt, là Bộ đầu tiên dám thực hiện việc này. Song thực tế còn rất nhiều khó khăn, bởi phải có được sự đồng thuận từ các đơn vị thành viên trong Bộ. “Các doanh nghiệp rất mong muốn được thực hiện theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp 2015. Bởi việc tiếp tục duy trì các điều kiện kinh doanh không cần thiết đã khiến DN mất nhiều thời gian và thủ tục, tạo nhiều điều kiện cho tiêu cực xảy ra. Việc này thay đổi càng sớm càng tốt. Nếu không thay đổi thì chính bản thân DN cũng không có động lực để phát triển. Nhưng đó chỉ là chỉ đạo, con đường từ chỉ đạo tới thực hiện có lẽ còn rất dài. Hy vọng Bộ trưởng sẽ làm kiên quyết, xử lý dứt điểm. DN chỉ biết đặt niềm tin thôi”- ông Hưng bày tỏ.

Chuyên gia kinh tế Đoàn Đình Hoàng cho rằng, việc xóa bỏ tới gần 700 điều kiện kinh doanh cũng cho thấy một thực tế, cắt giảm điều kiện kinh doanh theo cách mà Bộ Công Thương thực hiện mới chỉ giải quyết một nửa vấn đề. Nửa vấn đề còn lại nằm ở cải cách hệ thống quy định hành chính về kinh doanh. Đây mới là điểm quan trọng, bởi “cắt’ mà không cải cách thể chế đi kèm thì nguy cơ có thêm những giấy phép con là rất cao. Cắt giảm chỉ giải quyết được vấn đề về số lượng giấy phép, trong khi vấn đề quan trọng là chất lượng văn bản rất cần được quan tâm. “Đã đến lúc Nhà nước nên đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn để giám sát, chuyển mạnh từ tư duy tiền kiểm sang hậu kiểm, quản lý dựa trên phân tích, đánh giá rủi ro. Đây mới là cách giải quyết tận gốc vấn đề gây bức xúc cho nhiều DN trong thời gian qua” – ông Hoàng cho hay.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó tổng thư ký kiêm Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Dệt may tại TPHCM chia sẻ: “Bộ Công Thương đã giải quyết được những vướng mắc về Thông tư 37. Tuy nhiên, một sản phẩm DN làm ra còn liên quan đến nhiều bộ ngành khác, mà nếu những cơ quan này không thay đổi thì DN sẽ còn khổ… dài dài. Chúng tôi cũng đang thu thập và kiến nghị để giảm bớt những thủ tục của DN có liên quan đến các Bộ khác như việc nhập lông vũ liên quan đến Bộ NN&PTNT. Điều quan trọng là chúng ta cần sự thống nhất cắt giảm thủ tục từ các bộ ngành, có như vậy mới mở “rào cản” cho DN”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Uyên Phương (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN