Cách tính BHXH mới có làm giảm lương hưu?

Sự kiện: Tin nóng

Từ năm 2018, muốn hưởng lương hưu tối đa người lao động phải đóng thêm năm năm bảo hiểm xã hội.

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 quy định từ ngày 1-1-2018, lao động nữ 30 năm, nam đủ 35 năm mới được hưởng lương hưu tối đa 75% thay vì 30 năm và 25 năm như hiện nay. Như vậy, người lao động muốn hưởng lương hưu tối đa phải đóng BHXH thêm năm năm nữa so với hiện tại.

Có thể đóng BHXH tự nguyện

Ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam, cho hay điều kiện để hưởng lương hưu gồm hai yếu tố là đủ tuổi và đủ thời gian tham gia BHXH.

Cụ thể, từ 1-1-2018, lao động nữ nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%. Đóng đủ 30 năm được hưởng lương hưu tối đa 75% thay vì 25 năm như hiện nay.

Lao động nam hiện đóng 15 năm BHXH hưởng lương hưu 45% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Tuy nhiên, từ 1-1-2018, để hưởng mức trên, lao động nam phải đóng đủ 16 năm. Theo đó, lao động nam nghỉ hưu trong năm 2018 đóng đủ 31 năm BHXH hưởng lương hưu tối đa 75% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Nếu lao động nam nghỉ hưu từ năm 2019, 2020, 2021 và 2022 trở đi phải đóng tương ứng 32-35 năm BHXH mới được hưởng 75%. Đến năm 2022 phải tham gia 20 năm BHXH mới được hưởng mức 45%.

Trường hợp người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thiếu thời gian đóng BHXH, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, hướng dẫn: Với những trường hợp thiếu thời gian đóng BHXH dưới sáu tháng thì thông qua đơn vị sử dụng lao động đóng đủ thời gian còn thiếu cho người lao động. Trường hợp thời gian đóng còn thiếu quá sáu tháng thì người lao động có thể liên hệ cơ quan BHXH để tham gia BHXH tự nguyện.

Cách tính BHXH mới có làm giảm lương hưu? - 1

Thời gian đóng BHXH để được hưởng tối đa mức lương hưu đối với lao động nữ là 30 năm. Ảnh: HTD

Nghỉ hưu sớm bị trừ 2%/năm

Nhiều người lao động thắc mắc quy định mới có làm giảm lương hưu không. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng không phải ai nghỉ hưu trước năm 2018 cũng đều có lợi so với người nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi.

Vì luật đã quy định từ năm 2018 trở đi tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc bao gồm lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động. Như vậy, tiền lương đóng BHXH cao hơn nên lương hưu sẽ cao hơn chứ không thấp hơn.

“Ngoài ra, lương hưu phụ thuộc nhiều yếu tố như tỉ lệ hưởng, tiền lương đóng BHXH bình quân, thời điểm hưởng lương hưu, thời gian hưởng lương hưu nên không phải ai nghỉ hưu trước năm 2018 cũng đều có lợi hơn” - ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định.

Nhiều lao động đang muốn giám định y khoa để đủ điều kiện nghỉ hưu trước năm 2018 nhằm né những quy định mới. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Luật BHXH đã quy định tăng dần tuổi nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động theo giám định y khoa: Nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi (trước đây là nam 50 tuổi và nữ 45 tuổi) và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu. Sau đó thực hiện lộ trình tăng dần điều kiện về hưu trước tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Ông Lợi cũng cho biết từ năm 2018 có sự thay đổi về cách tính tỉ lệ phần trăm lương hưu đối với cả nam và nữ nếu về hưu trước tuổi. “Nếu người lao động nghỉ hưu sớm trước năm 2018 để 15 năm đầu đóng BHXH được tính hưởng 45% thì cũng cần lưu ý luật cũng có quy định là nghỉ hưu sớm mỗi năm sẽ bị trừ tương ứng 2% (trước năm 2016 tỉ lệ giảm trừ chỉ là 1%). Trong khi đó, nếu tiếp tục đóng BHXH thêm một năm thì tỉ lệ lương hưu cũng tăng tương ứng 2%” - ông Lợi nói.

Cách tính lương hưu cụ thể

Theo quy định, từ năm 2018 mức bình quân lương hằng tháng để tính lương hưu của khu vực công cũng được điều chỉnh theo lộ trình. Cụ thể, tính bình quân 15 năm cuối từ khi luật có hiệu lực thi hành 1-7-2015 đến 31-12-2019; từ 1-1-2020 đến 31-12-2024 tính bình quân của 20 năm cuối; từ 1-1-2025 trở đi tính bình quân của toàn bộ thời gian.

Ví dụ: Năm 2018 ông A đến tuổi về hưu. Giả sử ông A đã đóng bảo hiểm 33 năm thì mức lương hưu hằng tháng được tính như sau:

16 năm đóng BHXH: 45% mức bình quân tiền lương. 17 năm đóng BHXH còn lại: 17 x 2% = 34% mức bình quân tiền lương.

Tổng: 45% + 34% = 79% nhưng không được vượt quá 75%. Vậy hằng tháng ông A sẽ được hưởng 75% mức bình quân tiền lương.

_____________________________________

Từ 1-1-2018 trở đi, mức đóng BHXH dựa trên lương cùng phụ cấp và các khoản bổ sung ghi trong hợp đồng lao động. Hằng tháng người lao động đóng 8%, còn lại 18% sẽ do người sử dụng lao động đóng, tổng cộng 26% đóng vào quỹ BHXH.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Viết Long- Phong Điền (Pháp Luật TPHCM)
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN