Bộ trưởng KHĐT: Việt Nam cần đưa thu nhập đầu người lên 10.000 USD

Sự kiện: Kinh Doanh

"Các quốc gia khác không đứng chờ Việt Nam phát triển, ta phát triển một thì họ cũng phát triển mười", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ tại Diễn đàn phát triển bền vững Việt Nam 2018 diễn ra sáng 18/1.

"Nhiều người nói chúng ta có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình nhưng thực tế chúng ta đang ở trong đó rồi, làm sao để thoát ra?", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt câu hỏi. Để vượt qua được tình trạng này, Bộ trưởng cho biết Việt Nam cần đưa thu nhập bình quân đầu người lên mức 10.000 USD. Tuy nhiên, đây là một thách thức không nhỏ.

"Ngoài việc thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, mục tiêu của Việt Nam phải trở thành nước công nghiệp hiện đại", vị Bộ trưởng nhấn mạnh phải đồng thời thực hiện hai mục tiêu trên.

Bộ trưởng KHĐT: Việt Nam cần đưa thu nhập đầu người lên 10.000 USD - 1

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bên cạnh thách thức từ bẫy thu nhập trung bình, Bộ trưởng cũng bày tỏ lo ngại tụt hậu về kinh tế đang khá nghiêm trọng hiện nay.

Thời gian qua, kinh tế Việt Nam vẫn đang đà tăng trưởng. Nhưng nếu không duy trì tăng trưởng trong khoảng thời gian dài, Việt Nam có nguy cơ tụt hậu so với thế giới. "Các quốc gia khác không đứng chờ Việt Nam phát triển, ta phát triển một thì họ cũng phát triển mười", ông Dũng bày tỏ.

Trong khi đó, hiện nay GDP bình quân đầu người ở Việt Nam còn thấp, năng suất lao động chưa cao, năng suất các nhân tố tổng hợp TFP chưa được như kỳ vọng.

Trong số nhiều vấn đề còn tồn tại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lấy ví dụ về công tác quy hoạch. Ông cho biết có gần 100 văn bản pháp quy và 20.000 quy hoạch đã có nhưng thực tế lại không mang lại hiệu quả, không bám sát thị trường dẫn tới xung đột và triệt tiêu lẫn nhau.

Vị Bộ trưởng lấy ví dụ từ sự không cần thiết của quy hoạch về sản phẩm. Tới đây, Luật quy hoạch sẽ bỏ các quy hoạch này, sản phẩm sẽ được điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Các quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng sẽ mang tính tích hợp cao hơn, với hạ tầng, môi trường, xã hội tới đây sẽ được lồng ghép vào một quy hoạch chung để mang tính toàn diện. Như vậy, quy hoạch sẽ không còn tình trạng ngành này xung đột với ngành kia, sự phát triển của địa phương này ảnh hưởng tới địa phương khác.

"Bộ đang lên phương án thí điểm Luật Quy hoạch tại Vùng đồng bằng Sông Cửu Long, lập lại toàn bộ quy hoạch vùng, gắn sự phát triển giữa kinh tế, môi trường và xã hội. Hiện nay các cơ quan đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) và các chuyên gia trong, ngoài xây dựng quy hoạch này", Bộ trưởng cho biết.

Để rút ngắn khoảng cách với các quốc gia, vị Bộ trưởng cho rằng cần tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính. Đầu tiên là xây dựng thể chế để kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, thông suốt, hiệu quả.

Thứ hai là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, thu hút chọn lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Thứ ba là đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Tiếp theo Việt Nam cần phát huy các cực tăng trưởng, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng và đô thị.

Thứ năm là đảm bảo công bằng và hòa nhập xã hội. Cuối cùng là cần phải phát triển bền vững về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh việc Việt Nam cần tăng trưởng nhanh để bắt kịp thế giới nhưng phải đảm bảo bền vững. Việt Nam cần phát triển hài hòa theo ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. 

"Trước cuộc cách mạng công nghiệp lần 4.0 đây là thách thức nhưng cũng là một cơ hội hiếm có của Việt Nam. Vấn đề phát triển bền vững đặt trong bối cảnh công nghiệp 4.0 như thế nào là việc chúng ta cần giải quyết", vị Bộ trưởng bày tỏ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nam Anh (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN