'Bán' lầu Bảo Đại ở Nha Trang giá bèo

Sự kiện: Thời sự Khánh Hòa

Khu danh thắng lầu Bảo Đại có vị trí đắc địa bậc nhất Nha Trang nhưng giao cho doanh nghiệp thuê với giá bằng 50% giá đất sàn của tỉnh.

Gần đây, người dân chứng kiến khu vực núi Cảnh Long trên đường Trần Phú bên vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) bị đào phá để xây dựng các công trình nhìn ra biển. Đây là nơi tọa lạc cụm năm tòa biệt điện (biệt thự) mang phong cách kiến trúc Pháp mà vua Bảo Đại từng ở và người dân quen gọi là lầu Bảo Đại.

Hiện toàn bộ khu vực danh thắng này đã bị cấm vào để phục vụ thi công.

Định giá “bèo” cho đất danh thắng

Việc thi công trên là một phần của dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại do Công ty CP Đầu tư Khánh Hà (gọi tắt là Công ty Khánh Hà) làm chủ đầu tư. Đây là liên doanh giữa Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) và Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (Hà Nội).

Theo giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Khánh Hòa cấp đầu năm 2013, dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại sẽ cải tạo năm biệt thự hiện hữu; xây mới khách sạn năm tầng, 45 căn biệt thự nghỉ dưỡng cùng các tiện ích khác.

Tháng 12-2014, tỉnh Khánh Hòa có quyết định giao gần 9 ha đất và 4,7 ha mặt nước biển cho Công ty Khánh Hà để thực hiện dự án trên theo hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần và Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất với thời hạn 50 năm.

Khatoco góp vốn bằng quyền sử dụng đất (bao gồm cả năm ngôi biệt thự cổ) với giá trị được xác định chiếm 29% trong tổng mức đầu tư 475 tỉ đồng của dự án.

Tính bình quân mỗi mét vuông đất của danh thắng trên có giá tương đương 850.000 đồng. Trong khi tại thời điểm năm 2014, bảng giá đất của tỉnh xác định trục đường Trần Phú có giá từ 1,62 đến 16,2 triệu đồng/m2.

'Bán' lầu Bảo Đại ở Nha Trang giá bèo - 1

Một ngôi biệt thự cổ thành văn phòng làm việc của Công ty Khánh Hà. Ảnh: TẤN LỘC

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nói: “Khu vực lầu Bảo Đại là danh thắng có vị trí đẹp bậc nhất ở Nha Trang nên người Pháp mới chọn làm nơi xây dựng Viện Hải dương học và sau này vua Bảo Đại đến nghỉ dưỡng. Thế nhưng tỉnh lại định giá đất chỉ bằng một nửa giá thấp nhất của trục đường Trần Phú để giao cho doanh nghiệp (DN) mà lẽ ra phải tổ chức đấu giá theo quy định”.

Lý do không đấu thầu, ông Nguyễn Bé, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa, giải thích: “Do liên doanh nên không tổ chức đấu thầu”. Trước câu hỏi của PV “vì sao định giá đất của dự án trên thấp như vậy?”, ông Bé hẹn kiểm tra lại và sẽ trả lời sau.

Ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa, cũng thừa nhận dự án trên không được tổ chức đấu thầu. “Trong pháp nhân mới có quy định trách nhiệm của từng DN tham gia về vốn. Toàn bộ việc này do UBND tỉnh quyết định” - ông Nam nói.

Hắt hủi danh thắng

Hiện dưới chân lầu Nghinh Phong và năm biệt thự cổ đang ngổn ngang vật liệu, công trình thi công. Một trong số các biệt thự đang được sử dụng làm văn phòng của Công ty Khánh Hà. Bên trong các biệt thự Nghinh Phong, Vọng Nguyệt - nơi vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương từng nghỉ dưỡng - phần lớn các đồ vật đều bị hư hỏng, nằm lăn lóc; rác, bụi, đất bám dày khắp nơi. Toàn bộ tranh ảnh cùng nhiều đồ vật trong các biệt thự cổ này đã bị mất.

Theo ông Nguyễn Khắc Hà, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa, từ sau ngày giải phóng năm 1975, năm ngôi biệt thự cổ trên núi Cảnh Long trải qua hết cơ quan này đến DN khác quản lý, sử dụng. “Các cơ quan, DN này làm nơi ăn nghỉ, khai thác kinh doanh du lịch. Sau đó tỉnh giao cho Công ty Khatoco quản lý, sử dụng. Họ sửa chữa, đục phá tường, nền, thay đổi rất nhiều thứ bên trong, xây dựng thêm nhà hàng, nhà vệ sinh, làm các biệt thự không còn yếu tố gốc nên không thể lập hồ sơ di tích”.

Cũng theo ông Hà, năm 1995, cụm biệt thự cổ trên được đưa vào danh mục danh thắng tỉnh Khánh Hòa với tên gọi “danh thắng biệt thự Cầu Đá”. Đến nay cụm biệt thự này vẫn chưa được xếp hạng di tích và cũng chưa hề được lập hồ sơ di tích. “Chúng tôi đang rà soát lại, nếu đủ điều kiện thì mới lập hồ sơ để xếp hạng di tích. Tuy nhiên, việc lập hồ sơ di tích rất khó khăn vì các biệt thự không còn yếu tố gốc” - ông Hà nói.

Cũng theo ông Hà, quan điểm của Sở VH-TT là phải giữ năm ngôi biệt thự cổ nói trên. “Mọi sự cải tạo, sửa chữa của chủ đầu tư đối với năm ngôi biệt thự đều phải do Sở VH-TT thẩm định. Về nguyên tắc, phải giữ nguyên mặt ngoài của các ngôi biệt thự vì đó là kiến trúc cổ” - ông Hà nói.

Thông tin với PV, một lãnh đạo của Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa cho biết trước đây Sở đã có văn bản không đồng ý giao năm ngôi biệt thự cổ cho DN làm dự án du lịch, đồng thời đề nghị phải giữ làm nơi tham quan cho cộng đồng. Tuy nhiên, UBND tỉnh vẫn giao cho DN làm dự án khu nghỉ dưỡng.

Năm ngôi biệt thự trên núi Cảnh Long do người Pháp xây dựng từ năm 1923 với mục đích ban đầu làm nơi ở cho các kỹ sư, nhân viên người nước ngoài của Viện Nghiên cứu biển (nay là Viện Hải dương học Nha Trang). Cụm biệt thự này nằm trong khuôn viên rộng 12 ha, được đặt theo tên các loài hoa nhiệt đới như Xương Rồng, Bông Sứ, Bông Giấy, Phượng Vĩ, Cây Bàng.

Từ năm 1940 đến 1945, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương thường xuyên đến nghỉ dưỡng, giải trí. Đây là cụm công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của những năm đầu thế kỷ 20, phản ánh một giai đoạn lịch sử phát triển của Việt Nam.

Biệt thự 100 tuổi hoang phế thành nơi trú ngụ của mèo hoang

Trong khi chờ phục dựng nguyên trạng, căn biệt thự cổ gần 100 tuổi ở Sài Gòn như một phế tích với đầy cỏ dại bao...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tấn Lộc (Pháp Luật TPHCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN