90% tiền nợ xấu là của nhân dân

Sự kiện: Kinh Doanh

“Trong 600 nghìn tỷ đồng này, chúng ta phải xác định 90% là tiền của nhân dân, ngân hàng chỉ có 10%. Do vậy vấn đề cấp bách xử lý khoản này là bảo vệ không chỉ cho hoạt động tín dụng mà còn bảo vệ cho chính người dân”, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VietinBank Nguyễn Văn Thắng nói tại Quốc hội, sáng 7/6.

Tiền nợ xấu đủ xây 3 sân bay Long Thành

Tại phiên thảo luận về dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu ngày 7/6, ĐBQH, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VietinBank Nguyễn Văn Thắng cho rằng, nợ xấu cao đến mức phải cần sự can thiệp của nhà nước, có nguyên nhân xuất phát từ các cú sốc của nền kinh tế. Mặc dù ngành ngân hàng đã nỗ lực xử lý, nhưng nợ xấu và nợ tiềm ẩn hiện vẫn xấp xỉ 600 ngàn tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng dư nợ. Theo ông Thắng, Việt Nam là quốc gia duy nhất có nợ xấu hơn 10% mà không tổ chức tín dụng nào đổ vỡ.

ĐB Thắng cho biết, trong số 600 ngàn tỷ đồng nợ xấu, phải xác định 90% là tiền của dân, ngân hàng chỉ có 10%, nên việc xử lý nợ xấu là cấp bách. “Điều này không chỉ để bảo vệ cho hoạt động tổ chức tín dụng mà là bảo vệ cho người dân, những người đang gửi tiền trong hệ thống tổ chức tín dụng. Làm sao để đưa 600 ngàn tỷ đồng này quay trở lại phục vụ tăng trưởng kinh tế khi nguồn lực còn hạn chế. Số tiền này có thể làm được nhiều việc, thậm chí có thể xây được 3 sân bay Long Thành mà QH đang bàn”, ông Thắng nói.

90% tiền nợ xấu là của nhân dân - 1

ĐBQH Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) nói tiền nợ xấu đủ xây 3 sân bay Long Thành . Ảnh: Như Ý.

Đưa ra con số cụ thể, ĐB Phạm Phú Quốc (TPHCM) cho biết, giai đoạn 2012 - 2016, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được khoảng 600 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó các tổ chức tín dụng xử lý được 55% và Công ty VAMC xử lý 44,6%. Tuy về mặt bản chất, VAMC chỉ là “nhà kho” tạm giữ nợ xấu vì chi phí áp dụng cho trích lập dự phòng và tiền mặt vẫn thuộc các tổ chức tín dụng, nhưng VAMC đã cho thị trường thấy rõ được bức tranh xử lý nợ xấu của nền kinh tế.

Để việc xử lý có hiệu quả, ĐB Quốc đề nghị cần tạo được thị trường mua bán nợ với sự tham gia của các thành phần kinh tế và người dân. Nếu tài sản bảo đảm là chiếc xe hơi thì các hãng kinh doanh vận tải như Uber, Grab, taxi và người dân sẽ quan tâm.

Đề nghị xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân gây nợ xấu

Theo ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), đến nay, đề án xử lý nợ xấu đã xử lý được trên 50%, còn lại gần 50% chưa xử lý được, cần phải có một cơ chế đặc thù để xử lý nhanh, dứt điểm “cục máu đông” này. ĐB Diến cho rằng, để xử lý nợ xấu tận gốc, nghị quyết cần bổ sung nguyên nhân gây ra nợ xấu. “Đây là vấn đề dư luận và cử tri, người dân quan tâm đến chiều sâu của nghị quyết và vấn đề xử lý tận gốc gây ra nợ xấu. Vì vậy, nghị quyết cần có những quy định cụ thể, rõ ràng việc xử lý những tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu”, ĐB Diến đề nghị.

ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho rằng, việc thu hồi tài sản bảo đảm trong xử lý nợ xấu rất khó khăn. Thậm chí thi hành án dân sự có nhiều trường hợp bị thu hồi tài sản quay ra tấn công lực lượng thi hành án. Trước thực tế đó, ĐB Trang đặt hàng loạt câu hỏi: Tổ chức tín dụng khi thu hồi tài sản phải làm thế nào? Họ tự làm hay thuê lực lượng khác? Trong quá trình thu hồi tài sản nếu có tranh chấp, khiếu nại tố cáo thì giải quyết thế nào? ĐB Trang đề nghị cần quy định rõ những vấn đề này trong nghị quyết, nếu không việc xử lý nợ xấu sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn và nghị quyết không có hiệu quả trong thực tế.

Muốn nghị quyết khả thi và có sự đồng thuận cao, theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), nên hình dung trước khó khăn thách thức để có giải pháp phù hợp. Ví dụ như việc xử lý tài sản bảo đảm, cần cân nhắc thêm để hài hoà lợi ích. Theo nghị quyết, thời hạn thu giữ tài sản tương đối ngắn (10 ngày). Vì thế, cần có thêm thời gian để người bị thu hồi thu xếp nơi ở mới, nhất là đối với người già, trẻ em.

ĐB Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang) nêu kinh nghiệm một số nước trên thế giới như Bỉ và một số nước châu Âu, luôn chấp nhận quy trình thu hồi nợ xấu không viện dẫn đến tòa. Do vậy, ĐB Hải đề nghị, việc áp dụng thủ tục rút gọn rất cần thiết để góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, giảm bớt các chi phí phát sinh, giúp các tổ chức tín dụng có cơ hội giảm lãi suất đầu vào. “Khi đó vốn cho nền kinh tế, cho tăng trưởng kinh tế sẽ mang lại hiệu quả cao hơn”, ông Hải nói.

“Làm sao chúng ta vận hành đưa 600 ngàn tỷ này quay trở lại phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, khi nguồn lực còn rất hạn chế. Với con số này chúng ta có thể xây dựng được ba sân bay Long Thành mà Quốc hội đang bàn”.

ĐBQH Nguyễn Văn Thắng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thành Nam (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN