Vì sao người mãn kinh dễ bị trầm uất?

Thầy thuốc đã ghi nhận từ lâu là phụ nữ mãn kinh dễ trầm uất. Nếu tưởng buồn vì cảm giác hết đường ăn thua, vì thiếu hụt nội tiết tố nữ tính thì tuy đúng nhưng chưa hoàn toàn chính xác.

Theo kết quả từ một số nghiên cứu, không dưới 70% trường hợp trầm cảm là do cơ thể nạn nhân thiếu… ánh sáng thiên nhiên! Trầm cảm càng dễ bộc phát nếu đối tượng là người mắc bệnh nội tiết, như tiểu đường, bệnh tuyến giáp… mà không được điều trị đến nơi đến chốn. Ngược lại, đối tượng trầm uất là ứng viên hàng đầu của nhiều bệnh khác, từ cao huyết áp cho đến béo phì. Dễ hiểu vì đã bệnh mấy ai không buồn, đã buồn mấy ai không bệnh!

Theo nhiều nhà nghiên cứu về nhịp sinh học, sở dĩ có tình trạng tréo ngoe này là do hệ thần kinh diễn dịch sai về tín hiệu ngày và đêm khiến đêm chưa qua đã vội thành ngày. Nạn nhân vì thế mất ngủ hay nói chính xác hơn, mới ngủ được vài giờ thì giật mình rồi thức luôn đến sáng vì não bộ nhất định là đêm dài đã qua!

Đêm mà tưởng ngày là do cơ thể vì không nhận đủ tín hiệu của ánh sáng mặt trời nên phóng thích nhiều nội tiết tố melatonin - hoạt chất thường chỉ có mặt về đêm để gia chủ trọn giấc nam kha. Hậu quả là nạn nhân suốt ngày buồn ngủ rồi sau đó buồn bực, nhất là lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi cho dù không hề làm việc nặng.

Vì sao người mãn kinh dễ bị trầm uất? - 1

Đừng xem truyền hình quá trễ, đến 30 phút trước khi đi ngủ.

Chuyện nào đã xong! Theo Viện Nghiên cứu Anton-Protsch ở Áo, bên cạnh triệu chứng đau đầu, đãng trí và rụng tóc, không dưới 60% nạn nhân của bệnh “trầm cảm vì thiếu ánh sáng mặt trời” trở nên béo phì vì dễ đói bụng. Đã vậy, họ lại thèm ngọt và thích rượu bia để mượn chất đường và độ cồn vỗ về hệ thần kinh thiếu năng lượng.

Khác với người bị trầm cảm theo dạng kinh điển ốm o gầy mòn, người hết vui vì mãn kinh trong cảnh tranh tối tranh sáng thường có da có thịt nên ít ai tin là gia chủ đang… buồn! Chuyện càng nhiêu khê hơn vì đối tượng béo phì càng thêm trầm uất vì mặc cảm dáng liễu bên hồ ngày nào nay là của người khác!

Đừng tưởng buồn rồi sẽ qua. Bệnh buồn bã khi trời chạng vạng, bệnh buồn bực vì ánh sáng trong nhà mờ mờ cần được điều trị đến nơi đến chốn, càng sớm càng tốt để tránh nhiều hậu quả đáng tiếc. Khéo hơn nữa là tìm cách phòng tránh tình trạng này khi bước vào tuỗi mãn kinh thay vì khoanh tay ngồi chờ, bằng cách:

- Vặn đèn cho sáng, càng sáng càng tốt, khi phải làm việc trong văn phòng đóng kín. Sắp xếp để bước ra ngoài trời khi nghỉ giữa giờ. Càng nhiều sinh hoạt gắn liền với thiên nhiên càng tốt.

- Đừng xem truyền hình quá trễ, đến 30 phút trước khi đi ngủ, vì cơ thể sau đó diễn dịch kích ứng nhấp nháy của màn hình như cảnh rạng đông. Đừng để đèn ngủ mờ mờ vì tuy thơ mộng nhưng khó vào cõi mộng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN