Vi khuẩn ăn thịt người có thực sự đáng sợ?

Thời gian gần đây, một số bệnh nhân ở Mỹ bị những tổn thương rất nặng như cụt cả 4 chi, hoặc hoại tử ruột già, hoại tử da, thậm chí tử vong sau khi đi tắm ở biển, sông suối do nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” Aeromonas hydrophila.

Tuy nhiên, dưới góc độ của các chuyên gia về vi khuẩn, tác nhân gây ra bệnh cảnh như trên thực ra không đáng ngại như nhiều người lầm tưởng.

Vi khuẩn dễ gặp nhưng khó sinh bệnh

Sau việc Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận ca tử vong do nhiễm amip ăn não (người này bị nhiễm bệnh sau khi đi lặn mò trai ở hồ), thông tin về vi khuẩn ăn thịt người tại Mỹ lại càng được người dân quan tâm và lo lắng liệu có bị nhiễm vi khuẩn này khi đi tắm biển, sông, suối hay không? GS.TSKH. Phùng Đắc Cam - chuyên gia đầu ngành về vi khuẩn, chuyên gia của Trung tâm Phòng chống bệnh tật châu Âu cho hay: Có một loại vi khuẩn ăn thịt người có tên khoa học là Aeromonas Hydrophila, đây là loại vi khuẩn gram âm, dạng hình que, thường gặp ở vùng có khí hậu ấm, ở môi trường nước ngọt và nước lợ.

Chúng có thể sống trong điều kiện yếm khí hoặc hiếu khí và có thể làm tiêu gelatin, hemoglobin trong máu người. Vi khuẩn này được tìm ra vào năm 1962. Đây là loại vi khuẩn độc, chúng có thể xâm nhập vào cơ thể người qua đường miệng (qua nước uống, rau, cá, hải sản) rồi đi vào máu. Chúng sinh ra độc tố ruột, gây độc cho tế bào, làm tổn thương cơ thể. Tuy nhiên, chúng được xếp vào nhóm vi khuẩn gây bệnh cơ hội, tức là rất hiếm gây bệnh cho người khỏe mạnh mà chỉ gây bệnh trong điều kiện có biến đổi môi trường, thay đổi nhiệt độ, môi trường ô nhiễm, trên cơ địa của những người bị suy giảm miễn dịch, ăn thịt, cá, hải sản, rau, nước uống nhiễm vi khuẩn đó.

Lý giải vì sao chỉ ghi nhận được những bệnh nhân ở Mỹ, trong khi vi khuẩn này sống ở môi trường ấm, nước ngọt hay lợ, tức là khá dễ sống, GS. Cam cho biết, ngoài Mỹ cũng có ghi nhận một số ca lẻ tẻ khác, nhưng không nhiều thành dịch, những ca bệnh được đưa lên báo/mạng hoặc ghi trong y văn thì người ta mới biết đến. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học thì những trường hợp mắc là hiếm nên không thống kê. Ở Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á cũng chưa thấy mô tả trường hợp nào mắc bệnh. Vì thế, người dân khi đi tắm biển trong mùa hè cũng không nên quá hoang mang, lo lắng.

Vi khuẩn ăn thịt người có thực sự đáng sợ? - 1

Hoại tử cẳng chân (ảnh lớn) do vi khuẩn Aeromonas Hydrophila (ảnh nhỏ).

Các dạng bệnh do A. Hydrophila

Vi khuẩn này gây bệnh chủ yếu cho cá, động vật máu lạnh hoặc bò sát. Với người, chúng cũng gây ra một số bệnh, được biết đến nhiều nhất là viêm đường ruột, thường gặp ở trẻ em và người suy giảm miễn dịch. Ở Mỹ, chiếm 13% bệnh nhân viêm đường ruột là do vi khuẩn này gây ra.

Căn bệnh tiếp theo Aeromonas Hydrophila có thể gây ra là viêm mô tế bào làm viêm các tổ chức da, ngoài ra còn gây hoại tử cơ, eczema, hoại tử sinh hơi (thường gặp ở người bị suy giảm miễn dịch). Và cuối cùng, chúng gây hoại tử cân cơ, tấn công vào cân cơ ở vị trí nào trên cơ thể thì gây bệnh ở đó - đây chính là bệnh gặp ở một số bệnh nhân tại Mỹ mà báo chí đã đưa tin. Khi đó, chúng bị gọi tên vi khuẩn ăn thịt người. Tuy nhiên, những trường hợp này rất hiếm gặp.

Phòng và điều trị bệnh do nhiễm A. Hydrophila thế nào?

Ở Việt Nam, vi khuẩn này không được người ta để ý đến cũng còn một lý do khác, chúng rất dễ bị tiêu diệt bởi các loại kháng sinh thông thường. Vi khuẩn này kháng với penicillin, ampicillin, amoxillin và cephalothin. Chúng cũng dễ loại trừ bằng các dung dịch formol 2%, cồn 70%, cồn iod, nước javel.

GS. Cam cũng khuyến cáo, mặc dù là một loại vi khuẩn rất dễ chữa và hiếm gặp nhưng nếu người bệnh đến bệnh viện muộn thì cũng khó chữa vì bệnh để lâu dẫn đến bệnh cảnh nặng, thậm chí là tử vong. Ngay như căn bệnh dễ chữa như tiêu chảy, nếu kịp thời bù nước và muối, dùng kháng sinh thì nhanh khỏi. Nhưng người bệnh đến bệnh viện muộn thì có thể tử vong do mất nước.

Theo GS. Cam, những trường hợp nặng như ở Mỹ, khả năng là họ không phát hiện ra nguyên nhân bệnh để đến bệnh nặng và khó chữa. Nói về các loại vi khuẩn ăn thịt người, GS. Cam cho hay, có một loại mà lâu nay dù được cảnh báo nhiều, nhưng người dân Việt Nam có vẻ ít quan tâm, đó là ấu trùng sán lợn, chúng cũng xâm nhập vào cơ thể qua con đường phân - miệng gây nên những ổ sán dưới da và đôi khi lên não khiến người bệnh bị động kinh, thậm chí tử vong nếu không được chữa trị.

Việc phòng nhiễm loại vi khuẩn ăn thịt người này cần lưu ý nhất là phải chế biến hợp vệ sinh khi ăn các loại cá, hải sản, thực phẩm nói chung, nước sinh hoạt và nước uống; sử dụng các chất sát khuẩn và thuốc kháng khuẩn thích hợp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Hoài An (Sức khỏe & Đời sống)
Vi khuẩn ăn thịt người Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN