Tự ý truyền dịch có ngày mất mạng

Chủ quan và thiếu hiểu biết, không ít bệnh nhân chuốc họa vào thân chỉ vì tự ý mời điều dưỡng về truyền dịch tại nhà.

Tự ý truyền dịch có ngày mất mạng - 1

Việc truyền dịch cần tuân thủ theo chỉ định của bác sỹ. Ảnh: Khánh Linh

Nhiều biến chứng nguy hiểm

Buộc phải nghỉ làm hơn tuần nay, gương mặt chị Phùng Bích Ngọc (trú tại Lò Đúc, Hà Nội) vẫn tái xanh vì vừa may mắn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Theo lời chị Ngọc, thấy vợ sốt li bì hai ngày liền, cơ thể mệt rã rời, cho rằng vợ sốt virus nên chồng chị đã mời y tá về truyền dịch. Truyền đến cuối ngày thứ hai thì chị Ngọc có biểu hiện phù chân tay, chướng bụng khó thở. Gia đình hốt hoảng đưa đi cấp cứu. Tại bệnh viện, chị được bác sỹ chẩn đoán có dấu hiệu tràn dịch ổ bụng, màng phổi và căn bệnh chị mắc là sốt xuất huyết chứ không phải sốt virus. Nhờ đội ngũ bác sỹ tận tình, kịp thời cấp cứu, chị Ngọc may mắn phục hồi và xuất viện sau một thời gian điều trị tại bệnh viện.

Truyền dịch có nhiều loại, tùy theo tác dụng, có thể chia làm bốn loại như sau: Dịch truyền cung cấp nước, các chất điện giải dùng trong trường hợp cơ thể bị mất nước, mất chất điện giải; Dịch truyền tái lập cân bằng kiềm toan; Dịch truyền cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng; Dịch truyền thay thế máu. Việc truyền dịch cần tuân thủ theo chỉ định của bác sỹ”.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Đại học Y Dược TP HCM

Tương tự, bà Nguyễn Thị Huyền (Hà Đông, Hà Nội) cũng buộc phải cấp cứu do hôn mê, phù phổi vì truyền dịch. Người nhà bà Vân cho biết, trước đó, thấy người mệt mỏi nên bà tự đến một phòng khám tư nhân ở gần nhà để truyền dịch. Sau khi truyền hết hai chai, bà rơi vào tình trạng nguy kịch.

Trao đổi với phóng viên, BS. Đỗ Thị Phương Mai, Trưởng khoa Nội C1, BV GTVT T.Ư cho biết, những trường hợp như trên không phải là hiếm gặp, nhưng họ đã rất may mắn do được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Không chỉ người lớn mà theo lời PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), ông đã gặp rất nhiều trẻ phải  nhập viện cấp cứu vì phù phổi do... truyền dịch quá nhiều. “Nhiều phụ huynh cứ thấy con sốt kéo dài là cho con truyền dịch mà không cần xác định sốt do bệnh gì, bệnh ấy có cần, có được truyền dịch không? Điều này rất nguy hiểm, bởi có thể làm bệnh nặng hơn hoặc gây sốc và biến chứng nghiêm trọng thậm chí làm tổn thường về tim, phổi hoặc não đối với trẻ”, ông Dũng cảnh báo.

Theo BS. Phương Mai, khi tự ý truyền dịch, bệnh nhân có thể bị sốc do nhiều nguyên nhân. Nếu sốc do dị ứng với dịch thuốc truyền thì bệnh nhân thường nổi mề đay, khó thở, tím tái môi và đầu chi, nôn, tiêu chảy, vật vã hoặc có thể hôn mê. Còn nếu sốc do truyền nhanh thì bệnh nhân đau ngực khó thở, tím tái, miệng trào bọt hồng. Tùy vào từng tình huống mà đội ngũ y bác sỹ có phương thức cấp cứu khác nhau.

Tuy nhiên, đa số bệnh nhân phải được hỗ trợ thở máy, thuốc chống sốc và theo dõi tích cực trong thời gian dài. “Ngoài ra, sau sốc, bệnh nhân có thể chịu các biến chứng như suy thận, hôn mê, viêm phổi. Nếu sốc kéo dài, cấp cứu muộn có thể không tử vong nhưng bệnh nhân có nguy cơ mất não, sống thực vật. Còn một vấn đề xảy ra chậm hơn, không rõ rệt đó là khi truyền dịch ở nhà trong điều kiện không đủ vô khuẩn từ các đường truyền, bệnh nhân có thể bị lây nhiễm các bệnh như: Viêm gan virus  B, C”, BS. Phương Mai cho biết.

Bác sỹ bị mắng vì bệnh nhân “đòi” truyền

 Trước thực tế, một số người không ốm đau cũng tự ý truyền đạm “hoa quả” để bồi bổ sức khỏe, làm đẹp da, BS. Phương Mai cho biết: “Quả thật sau khi truyền dịch, da dẻ chị em trở nên hồng hào, mịn màng hơn trong một thời gian ngắn. Người này truyền bá cho người kia thành phong trào. Đây là tình huống khó”. Theo lời BS. Mai, một số bạn trẻ biết truyền ở nhà có thể nguy hiểm nên vào tận bệnh viện, để yêu cầu bác sỹ truyền “dịch vụ” cho an toàn. Giải thích cho những bệnh nhân “bất đắc dĩ” này rất khó. Đôi khi chúng tôi còn bị chửi mắng thậm chí bị gọi điện báo cho lãnh đạo theo đường dây nóng. “Không nên vì làm đẹp tức thời mà mạo hiểm với chính mạng sống của mình”, BS. Mai khuyến cáo.

Còn theo PGS. TS. Phạm Hữu Đức, có trường hợp trẻ sức khỏe bình thường, không đau yếu gì, ăn uống vẫn tốt, thế nhưng phụ huynh lại nằng nặc yêu cầu được tiêm truyền dịch với mục đích để khỏe hơn, mập mạp hơn. “Quan niệm này rất nguy hiểm, bởi đối với trẻ bình thường, dịch truyền không có tác dụng “khỏe hơn, mập mạp hơn” mà còn có nguy cơ bị các tai biến do tiêm truyền gây ra”, ông Hữu Đức lưu ý.

Cùng quan điểm, ông Tiến Dũng cho rằng, chỉ nên truyền dịch khi sốt quá cao, nôn quá nhiều gây mất nước, đi ngoài mất nước như những bệnh nhân bị tiêu chảy, tụt huyết áp…; Người bệnh không thể ăn, uống được. Những trường hợp bắt buộc phải truyền đều được bác sỹ tính toán kỹ lượng truyền chứ không thể truyền bừa bãi. Việc tự ý truyền dịch là vô cùng nguy hại cho sức khỏe.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vũ Anh (Báo giao thông)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN