Sốt mò: Căn bệnh nguy hiểm dễ bị lãng quên

Sự kiện: Sống khỏe

Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa tiếp nhận bệnh nhân Bùi Văn S, 57 tuổi, trú tại xã Hào Phú, Sơn Dương, Tuyên Quang bị sốt mò.

Sốt mò: Căn bệnh nguy hiểm dễ bị lãng quên - 1

Hình ảnh nốt mò đốt trên phần cạnh nách của bệnh nhân 

Gia đình bệnh nhân S cho biết, trước khi đến Bệnh viện đa khoa tỉnh khoảng 1 tuần, bệnh nhân bị sốt cao kèm đau đầu nhiều, gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa huyện Sơn Dương để điều trị trong 7 ngày, sau đó được chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang.

Bác sỹ CKI Nguyễn Văn Hùng, khoa Khám bệnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, qua thăm khám bệnh nhân S, phát hiện bệnh nhân có 1 nốt mò đốt ở vùng nách, kèm theo sốt cao từng cơn (39,5 độ C). Ngay sau khi chẩn đoán bệnh nhân bị sốt mò, người bệnh đã được chuyển lên khoa Truyền nhiễm để được điều trị bệnh.

Bác sỹ cho biết thêm, sốt mò là sốt phát ban truyền nhiễm do ký sinh trùng Rickettsia tsuisugamushi (thường gọi là con mò) gây ra. Loại ký sinh trùng này thường đốt bệnh nhân 1 nốt ở những chỗ kín, khó phát hiện như nách, ngực, bẹn, kẽ hậu môn... Bệnh nhân có vết loét chỗ côn trùng đốt, sưng hạch, kèm theo đau đầu và sốt cao kéo dài.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp các biến chứng nặng và thường là nguyên nhân gây tử vong như: Viêm cơ tim, trụy tim mạch, viêm màng não, sốc nhiễm khuẩn...

Diễn tiến của bệnh thay đổi từ những thể nhẹ đến những trường hợp nặng, do tổn thương nhiều cơ quan, thậm chí có thể gây tử vong nếu phát hiện và điều trị không kịp thời.

Bệnh thường thấy ở vùng nông thôn, nơi có nhiều bụi cây, rừng rậm, đối tượng dễ bị mò đốt là những người làm ruộng, làm rẫy, khai hoang... Sốt mò thường xảy ra vào mùa mưa và nóng. Do vậy ở miền Bắc thường từ tháng 5 đến tháng 10. Còn ở miền Nam, sốt mò xảy ra quanh năm nhưng cao nhất vẫn là vào mùa mưa.

Bác sỹ khuyến cáo: Người dân nên mặc quần áo chẽn gấu, chân tay đi bít tất, đi giày, gài ống quần và ống tay áo trong bít tất khi đi vào vùng rừng núi có cây cối rậm rạp. Không phơi quần áo, đặt ba lô trên bụi rậm, không nằm trên cỏ… Khi bị sốt, nổi hạch, có các nốt lạ trên cơ thể, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Theo PGS Nguyễn Văn Châu – Viện Sốt rét và Ký sinh trùng trung ương, bệnh sốt mò Scrub typhus (hay sốt bụi rậm, sốt triền sông Nhật Bản, sốt Rickettsia) là một bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C. 

Tác nhân gây bệnh là Rickettsia tsutsugamushi hay Orientia tsutsugamushi, tồn tại ngoài thiên nhiên, do ấu trùng mò (Trombiculidae) truyền ngẫu nhiên sang người qua vết đốt của chúng. 

Bệnh lưu hành chủ yếu ở khu vực châu Á và Tây Thái Bình Dương. Ở Việt Nam sốt mò đã được Noc. Goutron phát hiện tại Sài Gòn vào năm 1915. Từ đó đến nay, bệnh tiếp tục xảy ra ở vùng trung du và rừng núi của Việt Nam. 

Đặc biệt sau năm 1990, bệnh sốt mò có xu hướng quay trở lại và mở rộng vùng phân bố. Tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2000-2002 có 449 bệnh nhân bị sốt mò vào điều trị tại bệnh viện Uông Bí. Từ đầu tháng 3/2001 đến hết tháng 2/2003 tại Viện Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới có 255 ca sốt mò từ 24 tỉnh và thành phố của Miền Bắc về điều trị. Từ năm 2009 – 2010, tại Khánh Hòa, Quảng Nam và Quảng Ngãi có 83 bệnh nhân sốt mò.

Sốt mò cũng có thể tử vong

Mùa đông, mưa dầm, gió bấc, thời tiết ẩm ướt là cơ hội để ấu trùng mò phát triển, xâm nhập vào cơ thể người,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Ngọc (Infonet)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN