Sờ tay vào nút hơi nội cơm điện, bé trai bị bỏng nặng

Cứ đến dịp mùa hè, theo ghi nhận tại các bệnh viện và khoa bỏng, số bệnh nhân bị bỏng lại tăng lên do nướng mực và do trẻ nghỉ hè bị bỏng nước sôi.

Đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, bé Nguyễn Văn Đ. Hà Nội 10 tháng tuổi bị bỏng nặng với vết bỏng sâu ở tay mà nguyên nhân chỉ là do bé sờ vào nút hơi nồi cơm điện.

Mẹ của bé cho biết do chút bất cẩn không để ý đến con, bé Đ. bò đến sờ vào nút hơi nồi cơm điện. Thấy con bị như thế, chị nghĩ cháu chỉ bỏng bình thường nhưng không ngờ vết bỏng lại sâu như thế. Một vết tròn sâu trên tay bé và cộng thêm biến chứng do bỏng khiến ba ngón tay của bé dính lại với nhau.

Các bác sĩ cho biết bé sẽ phải điều trị tách ba ngón tay ra để bàn tay có thể hoạt động được như cũ.

Khi bị bỏng phải xử lý bình tĩnh, cách ly tác nhân gây bỏng.

Khi bị lửa bám vào quần áo thì nên nằm để dập lửa. 

Sập cầu giao khi bỏng điện. 

Khi bị bỏng nên ngâm trong nước lạnh hoặc dưới vòi nước để làm lạnh cho vết bỏng.

Trường hợp của bé Nguyễn Gia B. trú tại Nam Định cũng bị bỏng. Bé B. được bà bế sang nhà hàng xóm chơi. Mới 11 tháng, đang tập đi nên bé đã lao đến cái phích nước khiến phích nước đổ ra và bé bị bỏng. May là phích nước được nấu từ sáng nên đến chiều đã giảm nhiệt độ, vết bỏng không quá sâu.

Tại khoa Bỏng, các bác sĩ cảnh báo, đa số trẻ bị bỏng do chạm phải phích nước sôi, đồ ăn nóng như cháo, mì tôm và bỏng điện. Có những cháu chạm vào bát cháo nóng, bát bột nóng khiến bàn tay bỏng nặng. Có những bé thì bị bỏng điện do tiếp xúc với điện. Đây đều là những tai nạn nguy hiểm.

Không chỉ trẻ nhỏ mà số người lớn nhập viện vì bỏng ở bệnh viện cũng gia tăng.

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Thanh Th. quê ở Thái Bình bị bỏng cả hai chân khi lần đầu tiên nướng mực bằng cồn. Chị Th. cho biết, chị cầm chai đổ cồn vào chảo có mực nhưng chai cồn bị nổ, lửa bén vào váy khiến hai chân chị bị bỏng rất nặng.

Theo thống kê của khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, vào những ngày hè, số bệnh nhân nhập viện do bỏng tăng 20%, trong đó có tới 60% bỏng ở trẻ em.

Bác sĩ Nguyễn Thống – trưởng khoa Bỏng bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, trẻ em bao giờ cũng chiếm tỷ lệ cao trong bỏng. Trên thực tế bỏng có thể tránh được nhưng do bất cẩn của người lớn. Với những trẻ từ 12 đến 18 tháng tuổi rất dễ bị bỏng vì giai đoạn này trẻ tập đi, tập bò, hay khám phá.

Ngoài ra, do không nhận thức được hậu quả của bỏng cồn nên hiện nay còn rất nhiều người dân chủ quan vẫn sử dụng cồn để nướng thức ăn. Chỉ cần một tích tắc sơ ý, người sử dụng cồn để nướng thức ăn có thể đánh đổi bằng cả mạng sống của chính mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Thúy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN