Sai lầm của bố mẹ có thể làm hỏng hệ tiêu hóa của bé

Sự kiện: Bệnh về dạ dày

Nhiều bé mới 4, 5 tháng đã được bố mẹ cho ăn dặm khiến cháu bé bị rối loạn tiêu hóa, không tăng cân. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nên để cho bé được 6 tháng mẹ mới cho bé ăn dặm để tốt cho tiêu hóa của bé.

Sai lầm của bố mẹ có thể làm hỏng hệ tiêu hóa của bé - 1

Ăn dặm sớm có thể khiến bé bị rối loạn tiêu hóa.

Còi vì ăn dặm sớm

Bé Nguyễn Chí Hải trú tại Hoàng Văn Thái, Hà Nội được mẹ đưa đến khám dinh dưỡng với triệu chứng tiêu chảy nhiều ngày không khỏi, không tăng cân. Chị Hương mẹ của bé Hải cho biết con trai chị khi sinh ra đã được 3,8 kg, bé ăn rất tốt nhưng khoảng hơn 1 tháng nay chị Hương thấy con lười ăn nên chị sốt ruột cho con ăn dặm sớm.

Một tuần đầu bé ăn bột dặm ngọt pha sẵn rất tốt nhưng đến ngày thứ 8, thứ 9 bé bỏ ăn nên chị chuyển qua ăn dặm bột mặn. Chị Hương lấy rau xanh và ít thịt xay thật nhỏ để nấu bột cho bé ăn. Thấy bé có vẻ thích ăn nên chị cho ăn nhiều hơn.

Được 5 ngày, bé bắt đầu có biểu hiện tiêu chảy, đi nhiều lần/ngày. Ông bà cho rằng cháu đi tướt mọc răng nên cứ để như thế. Đến cả tuần cháu bé vẫn tiêu chảy, xì xoẹt chị Hương ra mua men tiêu hóa cho cháu uống nhưng không đỡ.

Bé bỏ ăn và kèm theo hiện tượng sốt nhẹ. Chị Hương mới đưa con đi khám bác sĩ cho biết cháu bị rối loạn tiêu hóa do thức ăn. Sau 3 ngày nằm viện, chị Hương và gia đình nóng như ngồi trên đống lửa vì bác sĩ cho rằng cháu bị ảnh hưởng đường ruột do ăn dặm sớm khi chưa được 5 tháng.

Trường hợp của bé Trương Mỹ An trú tại khu đô thị Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội đến khám dinh dưỡng tại viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng thế. Bé Mỹ An rất lười ăn và hay bị tiêu chảy. Bố mẹ cho biết cháu được ăn dặm rất sớm vì mẹ thiếu sữa, cháu lại không chịu uống sữa ngoài. Sợ con đói nên chị bổ sung thêm cho con bằng thực phẩm ăn dặm chế biến sẵn vị thịt, tôm và đủ các loại.

Tuy nhiên, bé An ăn rất tốt chỉ được vài hôm rồi sau đó bé lại rất lười ăn. Dù đã được 9 tháng nhưng bé An chỉ nặng 7,8kg. Bố mẹ của bé khá sốt ruột với cân nặng của con nhưng cứ ăn các chất lạ, nhiều thịt hơn là ngày hôm sau bé bị tiêu chảy, đi phân lỏng hai, ba lần/ngày. Bố mẹ của bé An rất ân hận vì có thể cháu còi, hấp thụ kém vì họ đã cho cháu ăn dặm quá sớm.

6 tháng mới được cho trẻ ăn dặm

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Phòng khám dinh dưỡng Cơ sở 2, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết hàng ngày có rất nhiều bà mẹ đến tư vấn và gọi điện nhờ bác sĩ tư vấn hỏi khi nào nên cho trẻ ăn dặm.

Ngày trước, việc cho trẻ ăn dặm trở nên đơn giản nhưng hơn 10 năm trở lại đây việc ăn dặm cho bé lại được các bác sĩ dinh dưỡng và ngay cả gia đình của cháu bé chú ý. Ngày trước, theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới WHO trẻ qua 4 tháng là có thể ăn dặm được. Tuy nhiên, mới đây nhất WHO khuyến cáo nên cho trẻ ăn dặm khi bé đủ 180 ngày tuổi tương đương với 6 tháng. Lúc đó, hệ tiêu hóa của trẻ mới hoàn chỉnh có thể dung nạp được các chất khác nhau trong nguồn thực phẩm được cung cấp. Hơn nữa, trong giai đoạn 6 tháng sữa mẹ vẫn đủ cho nhu cầu của bé bú hàng ngày.

Bình thường từ khi sinh ra nhu cầu dinh dưỡng của trẻ ngày càng tăng cao. Sữa mẹ không còn là nguồn cung cấp duy nhất cho bé. Bé cần ăn dặm để bổ sung chất dinh dưỡng cho sự phát triển cả thể chất lẫn tinh thần. Theo khuyến cáo nên cho ăn dặm lúc 6 tháng tuổi vì lúc này hệ tiêu hóa của bé đã phát triển hoàn thiện hơn và có tiết ra một loại enzyme có tên amylase có chức năng tiêu hóa tinh bột. Hệ tiêu hóa của trẻ dưới 6 tháng tuổi vẫn chưa có khả năng hấp thụ trọn vẹn protein từ thịt, cá, trứng, sữa… Trẻ dễ mắc các bệnh về đường ruột. Việc rối loạn tiêu hóa ở trẻ cũng tùy vào từng cơ địa của các bé không phải bé nào ăn dặm sớm cũng bị rối loạn tiêu hóa. Bác sĩ Hưng nhấn mạnh.

Cũng theo bác sĩ Hưng, các biểu hiện trẻ muốn ăn dặm đó là bú nhiều hơn, bé hay mút tay, bé nhìn người khác ăn, bé đòi ăn. Tuy nhiên, cần xác định rất rõ bữa ăn dặm là bữa phụ còn trẻ bú mẹ vẫn là chính. Nhiều trường hợp khi thấy bé ăn dặm nhiều và cho bé ăn nhiều lên để bỏ sữa mẹ. Như vậy, mẹ của bé đã bỏ đi nguồn dinh dưỡng là sữa mẹ an toàn nhất cho bé.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo ANTV
Bệnh về dạ dày Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN