Quý ông có thể vô sinh vì coi thường bệnh tiểu đường

Tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường đang là một trong những bệnh mãn tính đang gia tăng trong cuộc sống hiện đại. Điều đáng lưu ý là những người mắc căn bệnh này cũng phải đối mặt cao với nguy cơ vô sinh.

Quý ông có thể vô sinh vì coi thường bệnh tiểu đường - 1

Một trong những hệ lụy mà người mắc tiểu đường không thể bỏ qua là ảnh hưởng của nó đến khả năng sinh sản, đặc biệt ở nam giới. Ảnh minh họa

Rối loạn cương dương, khó có con

Bệnh tiểu đường được ví như là căn bệnh nan y có nguy cơ tử vong cao cùng với bệnh ung thư và HIV/AIDS. Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân chính của nhiều bệnh hiểm nghèo như bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận... Một trong những hệ lụy nữa mà những người mắc phải là căn bệnh này không thể bỏ qua ảnh hưởng của nó đến khả năng sinh sản, đặc biệt ở nam giới.

Anh Trần Vinh (31 tuổi) là một kỹ sư công nghệ thông tin ở Hà Nội, bị bệnh tiểu đường đã 5 năm. Căn bệnh này khiến anh mắc chứng xuất tinh ngược (tinh trùng khi xuất ra lại chảy ngược vào bàng quang) nên lấy vợ được 3 năm anh vẫn chưa thể có con. Cùng trong cảnh có chồng mắc bệnh này, chị Vân Anh - nhân viên một ngân hàng cho biết, chồng chị bị tiểu đường type 1 được gần 6 năm. Khi gần gũi, chồng chị thường xuyên bị rối loạn cương dương nên chị rất lo vì đã kết hôn hơn 1 năm mà vẫn chưa có tin vui.

Tiểu đường trước đây ít khi được nhắc đến khi các chuyên gia sinh sản chẩn đoán cho một nam giới có bị vô sinh hay không. Bởi vì số lượng người mắc đái tháo đường còn ít và chưa chắc họ đã bị vô sinh, hiếm muộn. Với sự gia tăng người mắc như hiện nay, tiểu đường đã trở thành một trong những nguyên nhân gây vô sinh phổ biến, là rào cản khó có thể vượt qua của các quý ông trong chuyện phòng the và mang thai ở phụ nữ. Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng rất muốn có con nhưng lại băn khoăn vì chồng hoặc vợ đang bị tiểu đường. Họ lo lắng bệnh này sẽ không thể có con hoặc sẽ di truyền khiến con không được khỏe mạnh khi sinh ra.

Không chỉ nam giới mà những chị em mắc bệnh này cũng phải đối diện với những nguy cơ trong quá trình mang thai và sinh sản. Nhiều người có thể bị tiểu đường trong thời kỳ mang thai (được gọi là tiểu đường thai kỳ) có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và trẻ trong tương lai gần. Nếu phụ nữ đang mang thai và bị tiểu đường type 1 hoặc type 2, có nguy cơ cao bị sẩy thai. Hơn nữa, trẻ có mẹ bị tiểu đường dễ bị chết non hoặc bị suy dinh dưỡng.

Cần dự phòng vô sinh cho người mắc tiểu đường

Các bác sỹ nam khoa cho rằng, tiểu đường type 1 hay type 2 đều khiến cho các tế bào sản xuất insulin trong cơ thể bị tổn hại dẫn đến nhiều biến chứng sức khỏe nghiêm trọng, trong đó có tình trạng vô sinh, hiếm muộn.

Theo đó, căn bệnh đã làm tổn thương các dây thần kinh trong hệ thống sinh sản của người đàn ông, phá hủy các mạch máu vốn nuôi các sợi thần kinh nối đến dương vật. Các tổn thương này khiến cho họ bị xuất tinh chậm, khó có thể đạt được cực khoái trong quan hệ tình dục. Ngoài ra, thần kinh bị hư hại cũng khiến cho cơ bàng quang không thể kiểm soát được một cách tự nhiên, nước tiểu làm cho DNA của tinh trùng bị phá vỡ cấu trúc, tinh trùng yếu khó có khả năng sống sót trong âm đạo. Cho dù thai nhi có hình thành, khả năng sống sót thấp, tỷ lệ bị dị tật cũng tăng cao.

Trong những trường hợp nặng, đái tháo đường có thể khiến cho nam giới bị bất lực, liệt dương. Trong một nghiên cứu mới đây ở Ấn Độ, có tới 50% số ca bị rối loạn chức năng cương dương ở nam giới là do tiểu đường gây ra. Theo các bác sĩ chuyên khoa, nam giới bị tiểu đường, không phải không thể có con, để chắc chắn hơn về chất lượng tinh trùng và khả năng làm cha, cần đến các cơ sở y tế để kiểm tra. Để dự phòng rối loạn chức năng cương dương, nam giới cần phải duy trì nồng độ đường, cholesterol và huyết áp ở mức độ vừa phải để hạn chế ảnh hưởng của bệnh lên khả năng sinh sản. Bỏ rượu và thuốc lá cũng giúp các quý ông cải thiện được chức năng tình dục của mình.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, phần lớn bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường đều có thể có con, nhưng những người sau cần đặc biệt lưu ý: Phụ nữ mắc đái tháo đường đang có mức đường máu cao không ổn định, khả năng bị dị tật thai có thể lên tới 22%. Để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé, trước hết người phụ nữ mắc bệnh này cần đến bác sĩ để khám sức khỏe khoảng 6 tháng trước khi thụ thai. Để có thể mang thai và sinh con, bạn cần điều chỉnh và ổn định mức đường trong máu nếu không muốn bị sẩy thai, sinh sớm hoặc thai nhi phát triển không bình thường.

Do vậy, các cặp vợ chồng có một trong hai người mắc bệnh tiểu đường muốn có con cần đến các bác sĩ để kiểm tra kỹ lưỡng về khả năng sinh sản của mình, có biện pháp để kiểm soát tốt đường huyết, sử dụng thuốc điều trị, kết hợp với một chế độ ăn uống và tập luyện khoa học.

Kiểm soát tiểu đường như thế nào?

Tiểu đường có thể được kiểm soát qua thay đổi lối sống, gồm duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện thường xuyên. Đây là cách tốt nhất để kiểm soát mức đường huyết trước khi chúng ảnh hưởng tới đời sống tình dục và dẫn tới vô sinh ở nam giới. Rối loạn cương dương có thể được kiểm soát với các thuốc cải thiện lưu thông máu tới cơ quan sinh sản và giúp cương cứng.

Tuy nhiên, để đối phó với chúng, điều quan trọng là cần biết các triệu chứng của tiểu đường và kiểm soát tiểu đường. Nếu bạn trên 30 tuổi, thừa cân hoặc béo phì với chỉ số khối cơ thể 23-24.9kg/m2 hoặc có tiền sử gia đình (bố, mẹ hoặc cả hai bố mẹ) bị tiểu đường, cách tốt nhất là đi khám và tư vấn trước khi có các triệu chứng hoặc các biến chứng trở nên nghiêm trọng như vô sinh nam.

5 món ăn sáng giảm nguy cơ tiểu đường

Những món ngũ cốc ăn sáng thường được quảng cáo là tốt cho sức khỏe, nhưng thực sự là chúng chứa rất nhiều đường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Anh (Gia Đình & Xã Hội)
Bệnh tiểu đường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN