Quan hệ tình dục sớm ảnh hưởng thế nào đến tâm sinh lý?

Hiện nay quan niệm về tình dục khá thông thoáng nên tuổi quan hệ tình dục lần đầu của cả nam và nữ đều giảm.

Quan niệm về tình dục thông thoáng

Tại Hội thảo “Cải thiện tình trạng dân số, sức khỏe sinh sản cho thanh niên” ngày 17/11, ông Nguyễn Quang Đại, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng Cục Dân số KHHGĐ cho biết, hiện nay, tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở nam giới trung bình 18,2 và ở nữ giới là 18 tuổi.

Quan hệ tình dục sớm ảnh hưởng thế nào đến tâm sinh lý? - 1

Ông Nguyễn Quang Đại cho rằng, quan niệm tình dục đang rất thông thoáng. 

“Mặc dù tuổi dậy thì và tuổi quan hệ tình dục lần đầu của vị thành niên và thanh niên có xu hướng trẻ hơn nhưng hiểu biết, kỹ năng thực hành sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục an toàn của vị thành niên còn kém”, ông Đại cho hay.

Tỷ lệ vị thành niên biết khả năng có thai sau khi quan hệ tình dục lần đầu không cao, 69,5% thành niên được khảo sát “có thể” biết nhưng có tới hơn 30% “không biết” tới điều này.

Đặc biệt, tỷ lệ vị thành niên và thanh niên không sử dụng bao cao su khi quan hệ rất lớn. Hơn 50% số người không muốn dùng bao cao su khi quan hệ tình dục.

Đại diện Vụ Pháp chế phân tích, trẻ quan hệ sớm do quan niệm về tình dục lại khá thông thoáng và không kiểm soát được, nhất là ở người đang có sự thay đổi tâm sinh lý.

“Đa số vị thành niên ngày càng có quan niệm hành vi thông thoáng về quan hệ tình dục. Họ cho rằng, quan hệ tình dục trước hôn nhân là chấp nhận được (44%  số người được hỏi đồng tình”, ông Nguyễn Quang Đại chia sẻ.

Cũng theo ông Đại, những số liệu về tỷ lệ mang thai, phá thai, sinh con sớm ở tuổi vị thành niên cho thấy, xu hướng về mang thai, phá thai và sinh con sớm ở tuổi vị thành niên gia tăng đáng kể.  Điều này có những tác động đến tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi, đến tỷ số tử vong bà mẹ và cho chính tương lai của vị thành niên và thanh niên.

Ông Đại cũng cho biết, hiện cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên chưa đáp ứng yêu cầu.

“Vị thành niên và thanh niên rất xấu hổ hoặc sợ bị nhìn thấy mua bao cao su hay thuốc tránh thai”, ông Đại chia sẻ.

Quan hệ tình dục sớm ảnh hưởng thế nào đến tâm sinh lý? - 2

Xu hướng phá thai ở tuổi vị thành niên ,sinh con sớm gia tăng đáng kể.  

E ngại "vẽ đường cho hươu chạy"

Ông Nguyễn Văn Tân – Q.Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - KHHGĐ cũng cho rằng, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên còn khó khăn và tuổi quan hệ tình dục lần đầu của vị thành niên - thanh niên Việt Nam ngày càng trẻ.

Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 ngàn ca nạo hút thai ở độ tuổi 15 -19, trong đó 60 - 70% là học sinh, sinh viên.

Ông Nguyễn Văn Tân cho biết, để cải thiện tình hình trong bối cảnh vẫn còn có nhiều ý kiến e ngại về việc "vẽ đường cho hươu chạy" ở nước ta từ phía các nhà giáo dục, phụ huynh, nên hiện còn có những hạn chế. Chính vì lẽ đó, vị thành niên quan hệ tình dục sớm, không an toàn, mắc bệnh lây truyền qua đường sinh sản, phá thai, sinh đẻ sớm, nuôi con sớm.

Ngoài ra, thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên thông qua các hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn, cung cấp các phương tiện và dịch vụ tránh thai phù hợp.

Chính từ những lẽ đó, lãnh đạo Tổng Cục DS KHHGĐ đề xuất, cải thiện sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, góp phần nâng cao chất lượng dân số; cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản như bảo đảm bí mật, tính riêng tư khi cung cấp phương tiện tránh thai…

Mỗi ngày có 20.000 trẻ vị thành niên sinh con

Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, theo số liệu toàn cầu, trong năm 2015, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có số trẻ em gái kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi cao nhất, với 59 triệu em.

Bên cạnh đó, mỗi ngày có 20.000 trẻ em gái tại các nước đang phát triển độ tuổi từ 15-17 sinh con. Ước tính số ca nạo phá thai không an toàn ở trẻ em gái tuổi từ 15-19 là 3,2 triệu ca; 10% số trẻ em gái cho biết đã từng bị cưỡng bức quan hệ tình dục trước 15 tuổi.Đặc biệt, tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em gái 15-19 tuổi và biến chứng thai sản là nguyên nhân thứ hai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Sức khỏe sinh sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN