Phát hiện chủng virus cúm A/H5N1 có độc lực cao tại 3 tỉnh

Ngày 16.9, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đến nay, cả nước đã phát hiện 3 ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm có độc lực cao, lây sang người và có thể gây tử vong.

Cục Y tế Dự phòng cho biết, Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phát hiện ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.

Trước đó, vào đầu tháng 9 tại Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, Cục Thú y cũng phát hiện ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm có độc lực cao.

Cách đó không lâu, cuối tháng 8.2015, dịch cúm gia cầm tại Sóc Trăng cũng được phát hiện. Tại đây, dịch cúm gia cầm có diễn biến rất phức tạp. Sóc Trăng là tỉnh có ổ dịch cúm gia cầm nhiều nhất từ đầu năm tới nay. Cụ thể: Ngành thú y Sóc Trăng đã phát hiện ba ổ dịch cúm A/H5N1 tại hai huyện Long Phú và Kế Sách.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục Y tế Dự phòng có công điện khẩn đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh tìm biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người. Đặc biệt, hạn chế lây nhiễm sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao.

Phát hiện chủng virus cúm A/H5N1 có độc lực cao tại 3 tỉnh - 1

Giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc có thể nhiễm virus cúm gia cầm

Theo nhận định của Cục Y tế Dự phòng, thời tiết đang diễn biến phức tạp, rất thuận lợi cho các chủng virus cúm phát triển, cộng với tình trạng vịt chạy đồng sau thu hoạch vụ lúa Đông Xuân vẫn còn nhiều nên nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát cao.

Bộ Y tế cũng cảnh báo, bệnh cúm A/H5N1 lây sang người. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ.

Người nhiễm cúm gia cầm có biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh cho người.

Do đó, để phòng chống dịch, bệnh cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

“Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời”, Bộ Y tế khuyến cáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN