Nước chung cư chứa vi khuẩn gây bệnh gấp… 860 lần

Như Pháp Luật TP.HCM đưa tin, kết quả kiểm tra 606 mẫu nước ở các chung cư trên địa bàn TP.HCM trong sáu tháng đầu năm 2016 cho thấy 31 mẫu (hơn 5%) không đạt hai chỉ tiêu vi sinh (Coliform tổng số và E.coli).

Tìm hiểu thêm, Pháp Luật TP.HCM được biết nhiều mẫu nước ở chung cư chứa vi khuẩn gây bệnh gấp hàng trăm lần.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN 01:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành, Coliform và E.coli không được hiện diện trong 100 ml nước dùng ăn uống. Tuy nhiên, báo cáo xét nghiệm gần đây nhất của trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện cho biết nguồn nước máy tại lô E, F, G chung cư A4 Phan Xích Long (phường 7, quận Phú Nhuận) chứa 860 vi khuẩn Coliform/100 ml, gấp 860 lần so với quy chuẩn.

Vi khuẩn Coliform và E.coli hiện diện trong nước máy ở chung cư 151-173 Nguyễn Tri Phương (phường 8, quận 5) cũng không nhỏ. Kết quả khảo sát ghi nhận 121 vi khuẩn Coliform/100 ml và 121 vi khuẩn E.coli/100 ml, gấp 121 lần so với quy chuẩn. Điều đáng nói chung cư có tiến hành xúc, xả hồ chứa nước và lấy mẫu lần hai nhưng kết quả vẫn không đạt. Cũng nằm trong địa bàn quận 5, nước máy ở chung cư 46 Tạ Uyên (phường 15) chứa 25 vi khuẩn Coliform/100 ml.

Tiếp xúc với Pháp Luật TP.HCM, một người dân sống ở lô E chung cư A4 Phan Xích Long (phường 7, quận Phú Nhuận) tỏ ra lo lắng khi biết nguồn nước ăn uống hằng ngày chứa tới 860 vi khuẩn Coliform/100 ml. “Lô E có 48 hộ. Nước máy được bơm vô hồ, sau đó bơm lên bồn rồi cung cấp cho các hộ. Do nước không màu, chẳng có mùi lạ nên tôi nghĩ bình thường. Nhà có con nhỏ, nay nghe nói vi khuẩn gây bệnh hiện diện trong nguồn nước khiến tôi thực sự lo ngại cho sức khỏe” - người này cho biết.

Nước chung cư chứa vi khuẩn gây bệnh gấp… 860 lần - 1

Do nguồn nước ăn uống ở một số chung cư bị nhiễm khuẩn nên có người sử dụng nước đóng bình để nấu nướng. Ảnh: TRẦN NGỌC

Trong khi đó, một cư dân sống ở chung cư Phú An (phường Thới An, quận 12) cho biết sẽ phải sử dụng nước đóng bình để nấu cơm, rửa rau quả cho an toàn. “Tôi đâu biết nước đang dùng hằng ngày lại bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Ban quản lý chung cư và cơ quan chức năng sớm có biện pháp khắc phục để các hộ được dùng nước đạt chất lượng” - ông này nói.

TS Phan Thế Đồng (Trường ĐH Hoa Sen, TP.HCM) cho biết vi khuẩn Coliform và E.coli sẽ chết khi nấu sôi khoảng năm phút. Tuy nhiên, hai vi khuẩn nói trên có thể tái tạo nếu nước để nguội quá lâu. Chưa hết, vi khuẩn Coliform và E.coli cũng sẽ bám vào rau quả sau khi rửa. Rau quả đã rửa để càng lâu thì các bào tử của hai vi khuẩn này tái tạo càng nhiều. “Vi khuẩn Coliform và E.coli gây bệnh đường ruột và ngộ độc thực phẩm” - TS Đồng lưu ý.

Để cải thiện nguồn nước ăn uống, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM kiến nghị Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) tiếp tục cải tạo những đường ống đã cũ, xuống cấp. Tăng áp lực nước để các hộ dân giảm tỉ lệ sử dụng nước gián tiếp qua bồn chứa. Bên cạnh đó, có kế hoạch súc xả đường ống thường xuyên để tránh cặn bám trong lòng ống bị bong ra khi áp lực nước thay đổi, ảnh hưởng đến chất lượng nước cấp. Đồng thời có kế hoạch châm Clo bổ sung trên mạng lưới đường ống cấp nước để đảm bảo nồng độ Clo dư đạt tiêu chuẩn (0,3-0,5 mg/l) đến các hộ dân sử dụng nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Ngọc (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN