Những sai lầm cực kỳ nguy hiểm trong phòng bệnh thủy đậu

Các chuyên gia cảnh báo, nhiều người mắc thủy đậu có thể khiến mặt bị rỗ, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Những sai lầm cực kỳ nguy hiểm trong phòng bệnh thủy đậu - 1

Bệnh nhân mắc thủy đậu nhập viện. 

Mặt rỗ vì thủy đậu

Bệnh thủy đậu thường bùng phát vào mùa đông xuân hằng năm và kéo dài cho tới hết mùa xuân. Bệnh rất dễ lây lan, đặc biệt, người lớn cũng có thể mắc.

TS. Nguyễn Văn Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ tháng 12/2016 đến nay, khoa đã tiếp nhận hơn 50 ca mắc thủy đậu, trong đó nhiều ca có biến chứng viêm phổi. Trẻ sơ sinh nếu mắc thủy đậu, bệnh sẽ nặng hơn trẻ khác; trẻ bị bội nhiễm cũng tương tự.

Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu cho biết, thời điểm này thời tiết giao mùa tạo điều kiện cho bệnh thủy đậu bùng phát.

Mỗi ngày khoa tiếp nhận gần chục bệnh nhân thủy đậu đến khám và điều trị. Mặc dù chưa có ca biến chứng nặng nhưng bệnh nhân ảnh hưởng nhiều về đời sống, sinh hoạt.

Còn tại Bệnh viện E, trong một tháng gần đây, Khoa Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 20 ca mắc bệnh thủy đậu, trong đó có cả người lớn.

Điển hình là bệnh nhân V.T.T.H., 30 tuổi (trú tại Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện ngày 6/2 trong tình trạng sốt cao, nổi mụn nước ở mặt và lan toàn thân. Trước đó con của bệnh nhân cũng mắc thủy đậu và đã được điều trị khỏi. Hiện nay, bệnh nhân H. vẫn sốt, nổi nốt ban toàn thân (có những nốt bội nhiễm, dịch đục, mủ trắng, nốt mới mọc, nốt mọc lâu…).

Hay bệnh nhân N.M.H., 23 tuổi (trú tại Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện ngày 4/2, nổi bỏng nước toàn thân. Bệnh nhân cho biết, cách đó 3 ngày có tiếp xúc với cháu bé 4 tuổi mắc thủy đậu nhưng đang trong thời gian khỏi bệnh.

Các chuyên gia cảnh báo, nhiều người mắc thủy đậu có thể khiến mặt bị rỗ, ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.

Nhiều sai lầm trong phòng bệnh

PGS-TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi - BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cảnh báo, không chỉ trẻ nhỏ, tỉ lệ người lớn mắc bệnh thủy đậu cũng nhiều hơn. Bệnh này cũng đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ có thai trong nửa đầu của thai kỳ vì có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.

Theo PGS-TS Bùi Vũ Huy, hiện nhiều người vẫn cho rằng thủy đậu là bệnh nhẹ nên chủ quan. Có những phụ huynh đợi đến mùa dịch mới tiêm phòng cho trẻ. “Cần tiêm phòng cho trẻ trước mùa dịch, bởi sau khi tiêm 2-4 tuần, vắc-xin mới có tác dụng bảo vệ. Tuy nhiên, không phải vì tiêm phòng rồi mà lơ là phòng bệnh. Kể cả khi đã tiêm phòng vắc-xin vẫn có nguy cơ mắc bệnh do một số bé có cơ địa không đáp ứng với vắc-xin, tiêm chưa đủ liều… nhưng so với trẻ chưa tiêm vắc-xin, bệnh sẽ diễn tiến nhẹ hơn” - TS Huy nhấn mạnh.

Các bác sĩ cũng cho biết thêm một quan niệm sai lầm thường gặp là nhiều người kiêng tắm khi bị thủy đậu.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, một trong các nguyên tắc điều trị thủy đậu là tránh nhiễm trùng, vì thế kiêng tắm rửa, cơ thể bị bẩn dẫn đến ngứa khiến người bệnh gãi nhiều, càng dễ nhiễm trùng. Trẻ cần được tắm rửa bằng nước sạch nhưng không chà xát mạnh gây vỡ nốt phỏng. Ngoài ra, cũng không nên cho tắm nước lá, bôi thuốc dân gian không rõ nguồn gốc lên vết phỏng.

Hiện nay, bệnh thuỷ đậu đang vào mùa, các chuyên gia nhấn mạnh, biện pháp phòng bệnh thủy đậu quan trọng và hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Cả người lớn và trẻ em từ 1 tuổi trở lên nếu chưa được tiêm vắc-xin và chưa bị mắc bệnh trước đó thì đều cần được tiêm chủng.

Lịch tiêm vắc-xin cụ thể như sau:

Trẻ từ 1 tuổi (từ 12 tháng tuổi) tới 12 tuổi: Tiêm một liều càng sớm càng tốt. 

Thiếu niên từ 13 tuổi trở lên hoặc người lớn: Tiêm 2 liều cách nhau 4-8 tuần. 

Không tiêm vắc-xin thủy đậu cho phụ nữ có thai. Trường hợp phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nên tiêm vắc-xin phòng thủy đậu ít nhất 3 tháng trước khi dự định có thai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Bệnh thủy đậu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN