Những biến chứng nguy hiểm của bệnh thương hàn

Sự kiện: Sống khỏe

Là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, nếu không chữa trị kịp thời, thương hàn sẽ nhanh chóng phát tán thành dịch cùng những biến chứng nguy hiểm.

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh thương hàn - 1

Điều kiện ăn uống mất vệ sinh có thể gây bệnh thương hàn

Thương hàn là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây bằng đường tiêu hóa, do trực khuẩn có tên khoa học là Salmonella typhi và Salmonella paratyphi gây nên.

Bệnh thương hàn thường xảy ra ở những nơi có điều kiện sinh hoạt kém vệ sinh, do lây truyền qua đường ăn uống bởi nước hay thức ăn bị nhiễm. Bệnh nhân bị bệnh cấp tính có thể lây ra môi trường nước xung quanh qua phân. Ở giai đoạn cấp, các chất thải (phân) có chứa nồng độ vi khuẩn rất cao.

Thông thường, việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào lâm sàng, kết hợp với xét nghiệm máu, cấy phân và dựa vào yếu tố dịch tễ. Trung bình sau khi nhiễm bệnh 7 – 15 ngày, sẽ xuất hiện các triệu chứng quan trọng.

- Dấu hiệu đặc biệt quan trọng là sốt cao liên tục 39 – 40 độ C, trên cơ thể vã nhiều mồ hôi.

- Có thể xuất hiện các ban dát nhỏ 2–3mm, màu hồng thường mọc ở bụng, mạn sườn, ngực – còn gọi là hồng ban.

- Tùy theo trường hợp, biểu hiện thần kinh ở các mức độ khác nhau từ nhức đầu, mất ngủ, ù tai, nói ngọng, đến tình trạng nằm bất động thờ ơ với ngoại cảnh, rồi có thể li bì, mê sảng hoặc hôn mê.

- Gan to mềm, mạch chậm tương đối so với huyết áp, huyết áp thấp, bụng chướng nhẹ, đau dọc hố chậu phải, đi ngoài khoảng 5–6 lần/ngày, phân màu vàng nâu, đặc biệt mùi rất nặng.

- Hình ảnh rìa lưỡi đỏ, giữa lưỡi phủ một lớp rêu màu trắng hoặc xám.

Do nhiều nguyên nhân như nhiễm độc tố, bội nhiễm vi khuẩn khác, tai biến do kháng sinh mà bệnh thương hàn có những biến chứng nguy hiểm khác nhau như xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột, loét họng, loét ruột gây chảy máu ruột do độc tố thương hàn gây ra. Ngoài ra, người bệnh có thể bị nhiễm độc cơ tim, gây viêm cơ tim, trụy tim mạch.

Nếu độc tố nhiễm vào não thất sẽ gây triệu chứng mạch nhiệt phân ly, viêm túi mật, viêm gan; viêm não màng não, viêm cầu thận, viêm đài bể thận. Nếu không được điều trị kịp thời bằng kháng sinh, người bệnh có thể tử vong.

BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM  cho biết, để phòng ngừa lây nhiễm căn bệnh này cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân và vệ sinh an toàn thực phẩm như rửa tay thường xuyên với nước sạch và xà bông;

Ăn thức ăn đã nấu chín, uống nước đun sôi để nguội; Không ăn những trái cây và rau quả đã cắt sẵn và không được bảo quản lạnh; Tách biệt giữa thực phẩm nấu chín và chưa nấu.

Khi vận chuyển, bảo quản phải tách biệt trái cây và rau quả với thịt sống. Luôn bảo quản thức ăn chưa dùng trong tủ lạnh; Không dùng sữa hay các sản phẩm sữa chưa được tiệt trùng; Che đậy thức ăn phòng tránh ruồi hoặc bẫy ruồi, diệt ruồi bằng hóa chất.

Đặc biệt những nơi chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm, những bếp ăn tập thể của trường học và công ty xí nghiệp phải tuân thủ đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bệnh thương hàn có thể phòng ngừa bằng vắc xin. Có hai loại vắc xin được sử dụng: loại vắc xin bất hoạt dùng qua đường tiêm và loại vắc xin sống được giảm độc lực dùng qua đường uống.

Những người chế biến thực phẩm, kinh doanh ăn uống, người đi du lịch thường xuyên cần tiêm phòng ngừa căn bệnh này. Tuy nhiên để tăng hiệu quả phòng bệnh cần kết hợp nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo An Nhiên (Infonet)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN