Người Việt mạnh tay chi tiền mua... bệnh ung thư

Theo các chuyên gia thực phẩm và dinh dưỡng thì hiện nay người Việt, đặc biệt là giới trẻ, có thói quen ăn uống bên ngoài, vô tư mua bệnh ung thư vào người.

Bệnh từ miệng vào

Theo thống kê của ngành ung thư và Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 người mới mắc bệnh ung thư và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư.

Theo số liệu từ điều tra toàn quốc về gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam cho thấy 74,3% gánh nặng bệnh tật là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó ung thư là một trong 10 nguyên nhân gây gánh nặng bệnh tật hàng đầu.

Tại các bệnh viện ung bướu, hầu như các khoa phòng đều trở nên quá tải do bệnh nhân tới khám ung bướu ngày càng tăng hơn. PGS Lê Bạch Mai – Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết mỗi lần đi qua Bệnh viện K Trung ương cơ sở Quán Sứ, Hà Nội bà lại cảm thấy ám ảnh bởi số người bệnh đến khám ung thư rất đông. Có những ngày mưa gió thì người bệnh vẫn đội mưa đi khám ung thư.

Với kinh nghiệm 30 năm nghiên cứu về dinh dưỡng, PGS Mai cho rằng yếu tố gây ung thư ở Việt Nam có sự góp mặt của thực phẩm, đặc biệt là những thực phẩm không đảm bảo an toàn, cách chế biến thực phẩm của người Việt Nam còn đáng quan ngại, nhất là trong chế biến và ăn uống.

Người Việt trẻ rất thích ăn uống ở bên ngoài, đặc biệt là các món chiên rán như gà rán, khoai tây chiên. Các món chiên rán vốn không tốt cho sức khoẻ lại cộng thêm việc sử dụng dầu dùng để chiên đi, chiên lại nhiều lần sinh ra các độc tố gây ra bệnh ung thư.

Cùng quan điểm với PGS Mai, TS Nguyễn Quang Thảo – trưởng phòng An toàn thực phẩm, Vụ khoa học công nghệ, Bộ Công thương cũng cho biết, nhìn hình thức các món ăn chiên rán ở ngoài đường, các cơ sở ăn uống rất ngon nhưng nếu người ăn chịu khó chú ý kỹ những làn khói bốc ra từ chảo dầu rán thì đây chính là một chất cực độc được sinh ra khi chiên rán, ăn phải người ta dễ sinh bệnh, trong đó có bệnh ung thư. 

Những con số đáng sợ

Trong khi đó, nếu biết những con số này, PGS Lê Thị Hồng Hảo – Viện trưởng viện Kiểm nghiệm vệ sinh An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, không ai dám bỏ tiền ra mua bệnh vào người nữa.

Theo PGS Hảo – Viện kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã làm một nghiên cứu thực tế về cách sử dụng và chế biến dầu ăn của các cơ sở chế biến thực phẩm chiên rán trên địa bàn các quận nội thành ở Hà Nội. Điều được các chuyên gia đặc biệt quan tâm đó là hầu như các cơ sở chế biến này đều không có hoá đơn nguồn gốc mua – bán các loại dầu sử dụng cho chế biến thực phẩm.

Đặc biệt, việc sử dụng dầu chiên đi, chiên lại nhiều lần gần như 100%. Các cơ sở sử dụng dầu cũ và dầu mới chung nhau. Đáng quan ngại, tại quận Cầu Giấy và quận Hai Bà Trưng hầu như 100% các cơ sở chế biến bánh rán, quẩy, nem chua chiên; quận Ba Đình và quận Đống Đa có tới 75% cơ sở đều sử dụng dầu chiên đi chiên lại. Cá biệt có tới 45% cơ sở sử dụng dầu chiên đi chiên lại 5 – 6 lần, đến khi dầu đen kịt mới bỏ đi.

PGS Lê Bạch Mai cho biết việc ăn thực phẩm bị chiên đi chiên lại nhiều như thế người tiêu dùng có thể cảm nhận được đó là thực phẩm có mùi khét, không còn thơm và ngậy như chế biến ở nhà. Nếu thử đặt hai cái nem rán ở bên ngoài và ở nhà tự làm sẽ thấy màu khác nhau hoàn toàn, cộng thêm mùi khét. 

TS Thảo cũng cho biết không chỉ mua bệnh từ bên ngoài mà cách sử dụng thực phẩm cũng chưa đúng cách. Dầu ăn là gia vị không thể thiếu nhưng có sai lầm "chết người" mà rất nhiều người mắc phải là cho dầu vào nồi rồi chờ tới khi dầu ăn sôi và bốc khói mới cho thức ăn vào chế biến. Cả gia đình chỉ sử dụng 1 loại dầu, thậm chí có người không ngại chi tiền mua dầu ôliu về chiên rán mà không biết rằng dầu này chỉ để trộn salat. Nhiệt độ cao không những làm ảnh hưởng, phá vỡ chất dinh dưỡng có trong dầu ăn và còn sản sinh ra các chất độc, là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh ung thư.

Những loại dầu không đun được ở nhiệt độ cao, nếu chúng ta sử dụng đun ở nhiệt độ 180 độ C, các chất axit béo trong dầu thực vật sẽ bị rối loạn cấu trúc tế bào, có thể gây đột biến gen. Chúng có thể tạo ra các amin sinh vật dẫn đến nguy cơ gây ung thư, đặc biệt là ung thư trực tràng, ung thư gan, phổi, vú. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Thúy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN