Người bệnh đơn độc chống lại "bệnh lạ"

Căn bệnh viêm da quái ác đã cướp đi sinh mạng nhiều người dân ở miền núi Quảng Ngãi. Gần một năm dịch bệnh hoành hành, ngành y tế vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh.

Điều đó có nghĩa là hàng ngàn người dân vẫn hằng ngày hàng giờ thấp thỏm, lo âu, hàng trăm bệnh nhân vẫn đang phải chống chọi với bệnh một cách đơn độc và đầy may rủi.

Khoán trắng cho địa phương?

Đơn độc vì mọi việc dường như khoán trắng cho địa phương. Người ta đã nói nhiều đến sự yếu kém, thiếu trước hụt sau của y tế cơ sở từ nguồn lực, con người, phương tiện thiết bị lẫn kinh nghiệm trong xử lý những ca bệnh khó. Thế nhưng với trường hợp Quảng Ngãi, khó khăn còn gấp nhiều lần khi ngành y tế địa phương phải gồng lên để xử lý căn bệnh lạ. Những bệnh nhân là đồng bào dân tộc thiểu số khi phát bệnh chỉ gắng chịu, bệnh nặng quá thì đến bệnh viện huyện đã là chuyện xa vời, nói gì đến việc phòng bệnh từ xa như chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế (!). Nhà nghèo, bệnh nặng, y tế cơ sở yếu kém nên mới có con số gần 20 người tử vong sau gần một năm bùng phát dịch bệnh.

Đau lòng hơn khi Bộ Y tế cho rằng hiện mới có tám người tử vong vì bệnh này, còn xã Ba Điền nói có đến 19 người tử vong vì “bệnh lạ”. Hóa ra 11 người tử vong mà chính quyền địa phương xót lòng chia sẻ với báo chí lại không được ngành y tế thừa nhận vì dù triệu chứng bệnh giống nhau nhưng “họ chết ở nhà, không phải ở bệnh viện” nên “không có cơ sở khoa học” (?).

Đơn độc vì ngành y tế vẫn đang tất bật với bao nhiêu dự án, bao nhiêu chiến dịch phát động phòng ngừa ở Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn. Quá tải bệnh viện trung ương, vấn đề tăng viện phí, rồi những xầm xì giá thuốc... Ngần ấy việc thôi đã có cảm giác Bộ Y tế quá sức và không thể còn tâm trí lo những việc ở... xa. Bệnh viêm da ở Quảng Ngãi vì thế có lẽ chỉ gợn lên như một thoáng ưu tư rồi bao nhiêu bận rộn lại cuốn bộ máy ngành y tế vào những việc “thời vụ” vốn không bao giờ dứt. Nói vậy có thể hơi quá lời, nhưng những gì người ta chứng kiến về phản ứng chậm chạp của lãnh đạo Bộ Y tế trước sinh mệnh người dân, trước một căn bệnh lạ chết nhiều người khiến sự liên tưởng không thể khác.

Người bệnh đơn độc chống lại "bệnh lạ" - 1

Bệnh nhân Phạm Văn Nhọc đang điều trị tại nhà - Ảnh: PH.LONG

Thiệt thòi của vùng sâu

Một năm trôi qua, người dân vẫn đương đầu với “bệnh lạ”, bởi chưa ai có thể quen với căn bệnh nguy hiểm rập rình bên cạnh trong khi thiếu vắng sự trợ giúp hiệu quả của hệ thống y tế quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế. Giả sử căn bệnh này không ở mấy xã heo hút miền núi Quảng Ngãi mà ở ngay Hà Nội, TP.HCM, liệu mọi phản ứng có nhanh và hiệu quả hơn? Người đứng đầu một bệnh viện chuyên ngành tuyến trung ương kể rằng khi nhận điện thoại từ Quảng Ngãi báo về “bệnh lạ”, ông quá bận nên không vào tận nơi được, chỉ yêu cầu tỉnh gửi ra năm bệnh nhân điển hình để điều trị mẫu.

Năm bệnh nhân nặng may mắn được làm đủ các chỉ định tại bệnh viện đầu ngành: cắt da - sinh thiết, xét nghiệm máu, sinh thiết gan, hội chẩn... đã khỏi bệnh hoàn toàn sau hơn một tháng điều trị. “Điều trị tận nơi sẽ khỏi, nên đừng gọi là “bệnh lạ” để người dân hoang mang dù thật sự chưa tìm được căn nguyên, chưa tìm ra cơ chế gây bệnh” - vị lãnh đạo này nhắc nhở cả giới truyền thông. Lãnh đạo bệnh viện chuyên ngành còn cáo bận, trách sao những người giữ vị trí cao hơn trong hệ thống y tế?

Càng thấu hiểu cái thiệt thòi của vùng sâu vùng xa, của câu nói dân gian “nhà nghèo, bệnh trọng”, càng hiểu hơn vì sao thành phố đông đúc, ngột ngạt mà nhiều người vẫn phải gắng bám trụ. Căn bệnh quá tải bệnh viện tuyến trên không thể chỉ đổ cho tâm lý nôn nóng của người bệnh, mà chính cách xử lý chậm chạp với “vùng xa” của ngành y tế phải chịu lỗi một phần cơ bản. Có ai dám đùa với sinh mệnh của mình?

Cho nên cái thiệt thòi của những bệnh nhân miền núi Quảng Ngãi trước tai ương hơn một năm qua càng gióng lên tiếng chuông trong cơ chế xử lý dịch bệnh của ngành y. “Bệnh lạ” phát sinh nhưng lạ hơn là cách phòng chống bệnh. Dù lãnh đạo Bộ Y tế đã chịu về địa phương sau một năm xuất hiện “bệnh lạ” thì phản ứng của ngành vẫn là quá muộn. Bởi cái người dân cần là giải pháp ứng phó với bệnh thật chi tiết chứ không phải lại thêm một lời phán chung chung: “Có thể mắc bệnh vì gạo mốc” (?). Trong khi bệnh viện chuyên ngành trung ương khẳng định có thể chữa khỏi mà ngành y tế vẫn để “bệnh lạ” cướp đi sinh mạng của nhiều người rồi mới cấp tập cử đoàn ra, đoàn vào và vẫn chưa đưa ra kết luận thì trách nhiệm thuộc về ai?

Nếu không làm rõ được trách nhiệm thì những vụ việc như ở Quảng Ngãi sẽ còn tiếp diễn và việc phòng chống dịch bệnh vẫn tiếp tục là cuộc chiến đấu đơn độc trước tai ương của những bệnh nhân nghèo.

Kiến nghị hỗ trợ bệnh nhân bị “bệnh lạ”

Ông Lê Hàn Phong, chủ tịch UBND huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), cho biết huyện đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ khẩn cấp gần 2,1 tỉ đồng cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân mắc “bệnh lạ” (dự kiến mức 5 triệu đồng/hộ có người bệnh, 4,5 triệu đồng/hộ có người chết).

Trước đó, UBND huyện Ba Tơ đã trích kinh phí địa phương hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/ngày/bệnh nhân, hỗ trợ xe đưa đón đến bệnh viện chữa trị miễn phí, huy động lực lượng giúp đỡ gia đình có người mắc “bệnh lạ” thu hoạch mùa vụ... Ông Phong nói thêm cuộc sống của gia đình có người mắc “bệnh lạ” đang rơi vào túng quẫn, khó khăn khi không có tiền để trang trải cuộc sống. “Nhiều trường hợp đến bệnh viện nhưng người đi nuôi bệnh không có tiền ăn nên phải bỏ viện trở lại nhà. Tôi mong các cấp, các ngành sớm giúp đỡ họ vượt qua khó khăn, hỗ trợ gạo dân cũng cần lắm” - ông Phong nói.

Ghi nhận đến chiều 1-5, số ca “bệnh lạ” ở huyện Ba Tơ là 178 trường hợp. Số ca đang phát bệnh nằm điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ là 19 người, chín người hiện còn điều trị ở Bệnh viện Phong da liễu trung ương Quy Hòa (Bình Định) và 38 người bị bệnh nhưng điều trị tại nhà.

VÕ MINH

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ban Mai ([Tên nguồn])
Bệnh lạ ở Quảng Ngãi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN