Nghị lực sống sau khi bị té vào máy dầu đang chạy

Trải qua tai nạn lao động khủng khiếp, chị Đinh Thị Thùy Linh ở ấp Phước Bình, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) vẫn nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững và đầu tháng 10 đã được ra Hà Nội nhận bằng khen của Chủ tịch nước...

Lấy chồng ở tuổi 30, chị Linh cùng chồng sắm một chiếc ghe nhỏ để buôn tre bán trúc dọc theo con sông Tiền. Năm 2006 thì chị gặp nạn... Vừa kể cho chúng tôi nghe lại cái ngày đau thương ấy, chị vừa gỡ mái tóc giả đội trên đầu làm lộ ra lớp da đầu đầy vết vá lắp, từng lằn thịt đỏ au, không lành lặn.

Chị ngậm ngùi kể: “Hôm đó vợ chồng tôi chuẩn bị đi mua tre về bán. Do sức khỏe yếu, mang chứng hay tụt huyết áp nên tôi té ngay vào máy dầu đang chạy đặt giữa tàu, do tiếng máy lớn tôi có kêu chồng ứng cứu nhưng không được. Mãi tới khi máy dầu tắt, chồng vào kiểm tra thì mới phát hiện tôi bị quật vào máy”.

Nghị lực sống sau khi bị té vào máy dầu đang chạy - 1

Chị Linh tại vựa gạo nhỏ của gia đình.

Tai nạn làm chị bị tróc cả lớp da đầu, thân người thì không còn thấy được chỗ nào lành lặn. Chị được chuyển đến bệnh viện ở xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn nhưng các bác sĩ đều bó tay, sau đó gia đình chuyển chị lên Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM để chữa trị.

Nằm bệnh viện điều trị cả năm trời, nhìn vết thương của chị mà ai cũng mủi lòng. Chị Đinh Thị Ánh - em ruột chị Linh bùi ngùi kể lại: “Chị bị tróc cả lớp da đầu, thấy tới sọ luôn, rồi bác sĩ mới lấy da chân, da lưng mà đắp lại cho chị, phẫu thuật nhiều lần mới thành công. Ban đầu cứ đắp lên là da lại tuột xuống, lúc đó em chỉ biết khóc cho chị”.

Sau tai nạn, khó khăn không chỉ dừng lại ở nỗi đau về xác thịt mà còn thấm sâu đến tinh thần, chị Ánh cho biết: “Lúc chị Linh mới về đâu có ăn gì được, toàn là uống thôi, khi ngủ thì phải ngủ ngồi, khổ lắm! Lúc đó sợ chị Linh mặc cảm, nên gia đình, bà con hay tới vận động, khuyên nhủ để chị có nghị lực vượt qua mà sống tốt”.

Tuy nhiên, vốn là người có tinh thần vượt lên khó khăn, chị Linh đã vượt qua chính bản thân mình. Khi bắt đầu lao động được trở lại, nhờ vào số vốn là 10 triệu đồng do chính quyền, hội phụ nữ và bà con giúp đỡ, gia đình sắm lại cái ghe mới để buôn bán đồ gia dụng. Một ngày nếu bán được thì tính hết chi phí, anh chị cũng lời được hơn 300.000 đồng. Hiện tại cuốc sống gia đình đã có phần dư dả, ổn định, nợ nần đã trả hết, anh chị đã có được số vốn gần 100 triệu đồng.

Vì đã mắc nạn nên đi đâu chị cũng lưu ý nhắc nhở bè bạn lái ghe, thuyền để ý những tai nạn trên ghe. Chị dùng “hình ảnh sống” của mình để nhắc nhở mọi người, nếu không để ý ai cũng có thể gặp nạn. Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm, chị còn hay hỗ trợ người nghèo khó.

Chị Linh nói: “Mình vừa bán vừa cho, thấy ai khổ là chị cho gạo để giúp đỡ. Lúc trước chị nghèo khổ, ai cho gì chị mừng lắm, nên giờ mình giúp đỡ lại...”.

Chị Phạm Thị Diệu Xuân - Phó Chủ tịch UBND xã Quới Thiện cho biết: “Khi bị tai nạn, chi phí chữa trị quá lớn nên gia đình chị Linh rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo của xã. Có sức khỏe trở lại, chị Linh vươn lên thoát nghèo, là tấm gương tiêu biểu để khích lệ người dân trong xóm”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mỹ Tiên (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN