Nắng nóng, cảnh giác căn bệnh có thể khiến bạn mất con bất cứ lúc nào

Nắng nóng ở trên diện rộng khiến tình trạng trẻ có nguy cơ bị viêm não và viêm màng não. Các chuyên khoa Nhi đều khuyến cáo nên chú ý tới trẻ, không chủ quan khi trẻ sốt, li bì.

Nắng nóng, cảnh giác căn bệnh có thể khiến bạn mất con bất cứ lúc nào - 1

Tưởng con sốt thông thường 

Anh Nguyễn Văn H. trú tại Hà Nội, đang chăm con điều trị tại Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, cho biết con anh bị sốt. Mấy ngày qua thấy con sốt cao tưởng cháu bị sốt thông thường nên chỉ hạ sốt và làm mát thông thường. Tuy nhiên, tình trạng sốt không hạ mà cháu còn có biểu hiện nôn ói và kêu đau đầu.

Vì cháu mới học lớp 1 nên anh tưởng con kêu không chính xác nên không chịu đưa con đến bệnh viện. Đến khi cháu li bì, nôn liên tục, anh mới cho con đến bác sĩ gia đình và được khuyên đưa vào viện.

Anh H. chủ quan vì sợ cho con vào viện lây chéo thêm bệnh. Khi vào viện bác sĩ nghi ngờ viêm não hoặc viêm màng não nên cho chỉ định chọc màng não tuỷ. Lúc đầu, anh còn nấn ná không đồng ý. Chỉ khi nghe bác sĩ giải thích anh H. mới chịu.

Căn bệnh nguy hiểm

Theo thông tin tử Bệnh viện Bạch Mai mấy ngày qua do thời tiết nắng nóng, bệnh viện ghi nhận nhiều trẻ bị viêm màng não.

Nguyên nhân của bệnh viêm màng não có thể do vi trùng hay siêu vi trùng. Đa số các trường hợp vi trùng hay siêu vi trùng từ vùng mũi họng xâm nhập vào màng não và gây viêm màng não.

Bệnh viêm màng não có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi và thời điểm nào. Tuy nhiên bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ vào mùa nắng nóng hay lúc chuyển mùa vì có nhiều trẻ mắc bệnh đường hô hấp và là thời điểm thuận lợi để một số vi trùng và siêu vi trùng xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây viêm màng não.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Nam, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi ngày khoa tiếp nhận 6 - 8 trẻ đến khám được chẩn đoán mắc viêm màng não. Có ngày số ca bệnh lên đến 8 - 10 ca. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca bệnh viêm màng não có tăng lên sau mấy ngày nắng nóng vừa qua.

Để chẩn đoán viêm màng não, bác sĩ chỉ cần chọc dịch não tuỷ. Tuy nhiên, nhiều gia đình còn băn khoăn khi bác sĩ chỉ định chọc dịch não tủy. Có những gia đình phản đối không cho chọc dịch não tuỷ vì họ nghĩ rằng con chỉ ốm thông thường.

Cũng theo bác sĩ Nam biểu hiện lâm sàng của viêm màng não vi rút rất đa dạng, không điển hình và tùy từng độ tuổi. Thường bệnh nhân có những triệu chứng giống với các bệnh viêm đường hô hấp khác như sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn.

Theo bác sĩ Nam viêm màng não là loại bệnh nặng cần được điều trị cấp cứu, nếu không điều trị hay điều trị trể bệnh có thể gây tử vong hay để lại những di chứng như điếc, mù, động kinh, yếu liệt tay chân hoặc chậm phát triển tâm thần vận động,…

Cảnh giác do vi rút Coxsackie

Cùng thời điểm này, Bộ Y tế cũng ra thông báo phòng bệnh viêm não, bệnh tay chân miệng do vi rút Coxsackie. Trước đó, từ ngày 20/4 – 31/5/2016, tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng đã ghi nhận 27 trường hợp mắc bệnh do vi rút đường ruột Coxsackie (độ tuổi mắc bệnh từ 2 đến 22 tháng tuổi), trong đó có 7 trường hợp tử vong (dưới 6 tháng tuổi).

UBND tỉnh Cao Bằng đã công bố dịch bệnh do vi rút đường ruột Coxsackie A6 qui mô cấp xã. 

Trước tình hình trên, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, điều tra phát hiện sớm các trường hợp viêm não, bệnh tay chân miệng do vi rút đường ruột Coxsackie, các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng. 

Các cơ sở y tế cần tăng cường tập huấn chẩn đoán, điều trị bệnh do vi rút Coxsackie cho cán bộ y tế, đặc biệt tại các tuyến quận, huyện, xã ở vùng sâu vùng xa. Ngành y tế phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức truyền thông, phòng chống dịch bệnh tại các trường học, đặc biệt tại nhà trẻ, trường mẫu giáo...

Tại Việt Nam hiện có 2 loại thuốc chủng ngừa viêm màng não: viêm màng não mủ do vi khuẩn HIB và viêm màng não do não mô cầu. Các loại vi khuẩn gây viêm màng não khác chưa có thuốc chủng ngừa.

Nên chủng ngừa cho các cháu từ 2 tháng đến < 5 tuổi thuốc chủng ngừa vi khuẩn HIB. Trẻ > 5 tuổi thì không cần thiết tiêm ngừa viêm màng não loại này vì vi trùng này ít khi gặp ở trẻ > 5 tuổi.

Riêng vắcxin phòng viêm màng não do não mô cầu thì chỉ tiêm khi trong vùng có dịch. Hoặc để phòng ngừa xa, thì tiêm ngừa mỗi 3 năm cho trẻ trên 18 tháng tuổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Ngọc (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN