Một người bị muỗi đốt có thể mất tới gần 3 triệu đồng

Điều tra của Bộ Y tế cho thấy, chi phí cho một người bị muỗi đốt dao động từ 900.000 đến 2.700.000 đồng tùy theo độ nặng và tuổi của người bệnh.

16 người tử vong do sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết đang ở giai đoạn đỉnh điểm. Bệnh tăng mạnh ở các địa phương như: Hà Nội, TP.HCM với hàng trăm ca mắc. Đến thời điểm này, sốt xuất huyết lưu hành ở hầu hết các tỉnh thành phố của Việt Nam.

Một người bị muỗi đốt có thể mất tới gần 3 triệu đồng - 1

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 8 tháng đầu năm 2015, cả nước ghi nhận 25 nghìn người mắc sốt xuất huyết. Tại các tỉnh phía Nam có 22.185 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 54% so với năm 2014. Đặc biệt, hiện đã có 16 người tử vong do sốt xuất huyết.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, khi mắc bệnh sốt xuất huyết người bệnh phải nghỉ học, nghỉ làm để điều trị. Người thân phải nghỉ làm để chăm sóc người bệnh. Gánh nặng kinh tế, xã hội người dân phải chịu không hề nhỏ so với thu nhập của mỗi hộ gia đình, ảnh hưởng tới xã hội.

Nghiên cứu của Bộ Y tế tại một số bệnh viện thuộc khu vực miền Nam, trung bình mỗi người bị bệnh sốt xuất huyết sẽ phải nghỉ để điều trị bệnh từ 7-14 ngày, người thân phải nghỉ việc để chăm sóc người bệnh từ 7-9 ngày.

Bên cạnh đó, chi phí cho người bệnh sốt xuất huyết như: Khám, xét nghiệm, điều trị, mua vật dụng, đi lại; chi cho người chăm sóc, chi phí bị mất tiền do nghỉ việc và rất nhiều khoản khác.

“Chi phí cho một bệnh nhân sốt xuất huyết dao động từ 40,7 USD đến 122,5 USD (nghĩa là từ 900.000 đến 2.700.000 đồng) tùy theo độ nặng và tuổi của người bệnh”, điều tra của Bộ Y tế cho hay.

Chẳng hạn, trong giai đoạn 2010 – 2012, cả nước ghi nhận 94.868 người bệnh sốt xuất huyết. Chi phí cho những người này dao động từ 1.400 - 1.600 tỷ đồng một năm.

Những sai lầm trong phòng bệnh

Theo ông Trần Đắc Phu, nhiều người cho rằng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chỉ sinh sản và gây bệnh ở môi trường ao tù, nước đọng là một suy nghĩ sai lầm. Bởi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hay còn gọi là muỗi “nhà vua” hoặc muỗi vằn bởi khả năng sinh sản cao và có tập tính đẻ ở nơi nước trong.

Loại muỗi “siêu đẻ” này trung bình một vòng đời sống được 1- 2 tháng và cứ sau mỗi lần hút máu no (khoảng 3 ngày) chúng lại đẻ trứng một lần. Trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thích hợp (mùa nóng ẩm), muỗi cái có thể sống kéo dài tới 3 tháng.

Ngoài ra, khi đẻ trứng, muỗi thường chọn đẻ nơi nước sạch. Chúng không đẻ nơi ao tù, nước thải cống hôi thối như nhiều người dân thường nghĩ.  Muỗi có thể đẻ rất nhiều nơi nếu có nước sạch, các dụng cụ chứa nước như: Lọ hoa để trên bàn thờ, chậu hoa cây cảnh chứa nước…

Đặc biệt, trứng muỗi còn có đặc điểm bám vào thành chum vại và có thể tồn tại  đến 6 tháng để khô, chỉ cần khi có nước thì lập tức trứng đó phát triển thành bọ gậy (loăng quăng) rồi hình thành muỗi. Vì thế, muỗi thường sống trong nhà và xung quanh hộ gia đình.

“Muỗi hoàn toàn có thể xuất hiện ở trên các nhà cao tầng trong thành phố, nơi có các dụng cụ chứa nước và muỗi có khả năng sinh sản và phát triển”, ông Phu nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng, do không hiểu hết về những đặc tính của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, nhiều hộ gia đình chủ quan, không dọn dẹp, vệ sinh thường xuyên nên sốt xuất huyết bùng phát.

Nhằm phòng chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân loại bỏ các dụng cụ chưa nước; Đổ nước bình hoa, úp chum lọ, vệ sinh thường xuyên hoặc đậy kín khay nước thải điều hòa, tủ lạnh, bể nước ăn, giếng nước, chum, vại…

Cũng theo Cục Y tế Dự phòng, trong thời điểm hiện nay, nếu người bị sốt cao đột ngột 38-40 độ, nhất là ở trong vùng có người bị sốt xuất huyết cần đến bệnh viện để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

“Tuyệt đối không nên tự chữa bệnh tại nhà, nhất là đối với trường hợp trẻ nhỏ nghi nhiễm sốt xuất huyết”, Bộ Y tế cảnh báo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN