Lo ngại bùng phát bệnh bại liệt do thiếu vắc-xin

Các chuyên gia đang lo ngại dịch bệnh bại liệt ở trẻ em có nguy cơ bùng phát do tình trạng thiếu vắc-xin.

Lo ngại bùng phát bệnh bại liệt do thiếu vắc-xin - 1

Thiếu hụt vắc-xin bại liệt là nguyên nhân làm tăng nguy cơ bùng phát đợt dịch mới.

Chiến dịch loại trừ bại liệt toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới WHO kể từ khi được phát động vào năm 1988 đã mang lại những kết quả rất đáng ghi nhận với 2,5 tỷ người và gần như toàn bộ trẻ em trên thế giới được tiêm phòng, tiến tới mục tiêu "xóa sổ" bại liệt vào cuối thập kỷ.

Tuy nhiên hiện nay, cuộc chiến đầy lùi bại liệt đang phải đối mặt với một mối đe dọa mới trước nguy cơ thiếu hụt trầm trọng vắc-xin. 

WHO cho biết, năm nay, thế giới cần 110 triệu liều tiêm IPV nhưng 2 công ty sản xuất thuốc là Bilthoven Biologicals BV ở Hà Lan (thuộc sở hữu của Viện Huyết thanh Ấn Độ) và Sanofi Pasteur (Pháp) thông báo rằng họ chỉ có thể đáp ứng được một nửa.

"Chúng tôi chưa nhận được báo cáo cụ thể, chỉ biết rằng việc mở rộng quy mô sản xuất vắc-xin đang gặp trở ngại và sẽ không cung cấp được đủ số lượng đó cho đến năm 2018", Shanelle Hall, Giám đốc bộ phận vắc-xin của Unicef cho biết.

Hơn 100 quốc gia đang phụ thuộc vào những liều vắc-xin này và các chuyên gia lo lắng hiệu quả của chiến dịch sẽ bị ảnh hưởng, rất nhiều trẻ em không được vắc-xin bảo vệ sẽ làm bùng phát đợt dịch mới.

Từ những năm 1950, có hai loại vắc-xin ngừa bại liệt phổ biến trên khắp thế giới. Thứ nhất là IPV - loại vắc xin bại liệt bất hoạt do Jonas Salk phát minh, thường sử dụng bằng đường tiêm bắp, trong đó sử dụng virut polio đã bị giết chết để tạo nên một phản ứng miễn dịch. Thứ hai là OPV – vắc-xin dạng uống do Albert Sabin phát minh, sử dụng thành phần là virus polio bị làm suy yếu.

Vắc-xin của Salk được sử dụng rộng rãi ở các nước công nghiệp nhưng khi áp dụng ở những nơi khác, các chuyên gia quyết định sử dụng loại OPV, một phần vì ít tốn kém, một phần là vì những tính năng bất ngờ mà loại Salk không có được.

Đó là khả năng sinh sôi trong ruột và khi được đào thải qua phân vào môi trường, nó có thể tạo ra miễn dịch với bất cứ loài vật nào vô tình tiếp xúc gần, tạo ra một loại chủng ngừa thụ động cho những người được uống OPV, hạn chế tối đa khả năng sinh sản và lây lan bệnh dịch.

Tuy nhiên, loại virus này có thể phát triển đột biến và khi nó sinh sản, vắc-xin OPV vô tình sẽ mở đường cho việc lây lan thay vì bảo vệ. Mặc dù tỷ lệ rất hiếm gặp nhưng trên thế giới cũng đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh bại liệt do virus có nguồn gốc vắc-xin và thường gặp nhất là virus týp 2 này.

Tháng 9/2015, WHO đã công bố thanh toán virus bại liệt týp 2 trên toàn cầu. Và để thực hiện mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2020, WHO yêu cầu các quốc gia cần thay thế vắc-xin nhưng lại gặp trở ngại với tình trạng thiếu thuốc.

Để đối phó với sự thiếu hụt, tùy thuộc vào nguy cơ bùng phát mà WHO vẫn sử dụng OPV ở 1 số nơi. Những nước nguy cơ thấp sẽ không nhận được bất kỳ liều IPV nào cho đến khi tình hình được cải thiện. Riêng đối với 3 quốc gia chưa thanh toán được bại liệt - Afghanistan, Nigeria và Pakistan – thì đứng đầu danh sách được ưu tiên IPV.

Kêu gọi các nước sử dụng liều tiêm nhưng WHO cũng lo ngại điều này đòi hỏi chi phí để đào tạo cán bộ và thực tế thì không phải quốc gia nào cũng hào hứng. “Tôi đã phải đích thân đến thăm một số quốc gia và giải thích cho họ lý do tại sao họ chưa nhận được vắc-xin”, Michel Zaffran, Giám đốc dự án Loại trừ bệnh bại liệt của WHO, Michel Zaffran, cho biết.

Trong khi đó, Ashleigh Koss, Trưởng phòng truyền thông khu vực Bắc Mỹ thuộc Công ty Sanofi Pasteur thừa nhận sự thiếu hụt nhưng không giải thích cho điều này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huyền Anh (Theo Independent) ([Tên nguồn])
Tiêm chủng mở rộng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN