Hơn 1h đồng hồ chạy đua tử thần cứu bệnh nhân tắc mạch máu não

Sự kiện: Sống khỏe

Bệnh nhân đang điều trị nội trú tại viện, lúc ăn cơm đột ngột xuất hiện sặc, nói khó, liệt mặt và liệt nửa người trái, dấu hiệu của đột quỵ. Bệnh nhân đã được các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu.

Hơn 1h đồng hồ chạy đua tử thần cứu bệnh nhân tắc mạch máu não - 1

Bệnh nhân đã ổn định hơn, các bác sĩ nhanh chóng lấy cục máu đông cho người bệnh.

Bệnh nhân N.T.L, nữ, 47 tuổi, trú tại Hà Đông - Hà Nội. Bệnh nhân được Bệnh viện Đa khoa Hà Đông - Hà Nội chuyển tới Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai ngày 21/03/2017 với chẩn đoán suy tim do hẹp hở van hai lá. Bệnh nhân có tiền sử cơn nhịp tim nhanh lên tới 170 lần/phút, tuy nhiên chưa phát hiện bệnh lý tim mạch bao giờ.

Trước khi vào viện khoảng 10 ngày, bệnh nhân xuất hiện khó thở tăng dần kèm theo có tức ngực trái. Bệnh nhân tới khám tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông - Hà Nội được chẩn đoán suy tim do hẹp hở van hai lá và được chuyển lên Viện Tim mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai để điều trị và xét can thiệp nong van hai lá.

Tại Viện Tim mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân ở trong tình trạng tỉnh, không phù, không sốt, không đau ngực, mạch không nhanh nhưng còn khó thở, nghe tim thấy nhịp đều nhưng T1 và T2 đanh, và có rung tâm trương 2/6 ở mỏm, phổi không có ran.

Siêu âm tim cho kết quả hẹp van hai lá khít, hở van hai lá vừa, hở van động mạch chủ nhẹ, buồng thất trái giãn, chức năng tâm thu thất trái trong giới hạn bình thường, hở van ba lá nhiều, tăng áp lực động mạch phổi nhiều... Các xét nghiệm về tế bào máu, chức năng gan thận, hormone tuyến giáp và đông máu đều trong giới hạn bình thường.

Tuy nhiên khoảng, 10h40 ngày 22/03/2017, sau một ngày được chuyển tới Viện Tim mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai, trong lúc đang ăn cơm bệnh nhân đột ngột xuất hiện sặc, nói khó, liệt mặt và liệt nửa người trái.

Ngay lập tức, bác sĩ Hoàng Việt Anh (Viện Tim mạch Việt Nam) tiến hành xử trí cấp cứu và nhận định đây là tình trạng đột quỵ tắc mạch não lớn, cần phải được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và tiến hành can thiệp nội mạch lấy huyết khối cơ học sớm nhất có thể, may ra mới có thể cứu được bệnh nhân.

Bác sĩ Hoàng Việt Anh đã liên hệ trực tiếp với bác sĩ Mai Duy Tôn (Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai) và bác sĩ Vũ Đăng Lưu (Khoa Chẩn đoán Hình ảnh, Bệnh viện Bạch Mai). Sau khi hội chẩn và xin ý kiến của lãnh đạo hai khoa, một ê-kíp cấp cứu liên khoa được huy động ngay lập tức. Bệnh nhân được chuyển tới Khoa Cấp cứu A9.

Nhận thấy bệnh nhân đã được sử dụng thuốc chống đông trước đó để dự phòng huyết khối buồng tim tại Viện Tim mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai nhằm mục đích chuẩn bị cho can thiệp điều trị nong van hai lá cho nên bác sĩ Mai Duy Tôn đã quyết định không sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch vì dễ gây biến chứng chảy máu não chuyển dạng ở bệnh nhân có tắc mạch máu não lớn.

Đối với các trường hợp tắc mạch máu não lớn có thể gây thiếu máu não/nhồi máu não diện rộng, khi xảy ra biến chứng chảy máu não chuyển dạng thì nguy cơ tử vong của bệnh nhân tăng lên gấp nhiều lần.

Do vậy, sau khi xử trí cấp cứu, bệnh nhân được chuyển ngay sang Khoa Chẩn đoán Hình ảnh - Bệnh viện Bạch Mai để tiến hành can thiệp nội mạch lấy huyết khối cơ học đơn thuần. Chỉ mất khoảng hơn một giờ đồng hồ (bao gồm cả thời gian chuẩn bị), cục huyết khối dài 2 cm tại đoạn M1 của động mạch não giữa bên phải đã được lấy ra.

Ngay sau khi can thiệp nội mạch lấy huyết khối cơ học, bệnh nhân đã có sự cải thiện rõ nửa người bên liệt. 11 tiếng can thiệp sau đột quỵ tắc mạch não, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, không còn nói ngọng, nửa người bên liệt đã hồi phục gần như hoàn toàn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ph. Thúy (Infonet)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN