Hồi sinh nhờ... sơ cứu

Tai nạn đuối nước hay những cơn nhồi máu cơ tim có thể khiến nạn nhân mất đi nhịp tim, nhịp thở, mạch đập. Tuy nhiên, nhờ bàn tay của các bác sĩ hoặc của chính người thân biết cách sơ cứu, nạn nhân đã sống lại thần kỳ.

Kiên nhẫn, chớ buông xuôi

Trong một chuyến cấp cứu cách đây không lâu, Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM đã nhận được yêu cầu đưa một cụ ông đến viện vì “hơi mệt”. Khi đội cấp cứu đến hiện trường thì cụ ông đã ngưng thở mà người nhà vẫn tưởng rằng ông chỉ mệt nên ngồi ngủ thiếp trên ghế salon. Biết được tin xấu, nhiều người thân đã tỏ ra hoảng hốt và đau buồn vì nghĩ cha, ông mình không còn cách cứu chữa. Nhưng sau 15 phút nỗ lực hồi sinh tim phổi cho ông, những sinh hiệu đầu tiên bắt đầu trở lại và bảo đảm được chặng đường 10 phút di chuyển đến bệnh viện gần nhất.

“Chúng tôi thỉnh thoảng vẫn rơi vào tình huống khi tiếp cận hiện trường thì nạn nhân đã ngừng thở, tim ngừng đập mà người xung quanh không biết. Khi đó, tùy vào thời gian họ đã ngừng thở bao lâu, do vấn đề gì mà khả năng cứu sống nhiều hay ít. Tuy nhiên, nếu được phát hiện ngay lúc mới ngưng thở và được sơ cứu kịp thời thì khả năng cứu sống cao hơn nhiều và nguy cơ bị di chứng cũng thấp hơn” - ThS-BS Võ Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115, chia sẻ.

Hồi sinh nhờ... sơ cứu - 1

Các bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm Cấp cứu 115 cấp cứu thành công một trường hợp bị ngưng tim, ngưng thở

BS Huy cho biết trong mùa hè, mùa mưa, các ca rơi vào tình huống ngưng tim, ngưng thở do đuối nước hay điện giật xảy ra không hiếm. Trong nhiều trường hợp, người xung quanh thấy nạn nhân đã mất sinh hiệu, mạch bắt không được nên ngưng cấp cứu vì nghĩ họ đã chết. “Thật ra nếu xác định được thời điểm ngưng tim, ngưng thở thì sẽ có “thời gian vàng” là 4 phút. Trong thời điểm đó, nếu được đội cấp cứu hỗ trợ hoặc đơn giản hơn chỉ cần một người nào gần đó ép tim đúng cách, cơ hội “hồi sinh” của nạn nhân lên đến 30%-40%. Quá 4 phút, khả năng cứu sống vẫn còn nhưng chỉ dưới 10%” - BS Huy cho biết.

Theo BS Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất, đối với người già, ngoài tai nạn thì tình huống đột ngột ngưng tim, ngưng thở cũng có thể xảy ra khi họ bị nhồi máu cơ tim hoặc xuất huyết não diện rộng. Trong tình huống này, cũng vẫn cần ép tim, thổi ngạt cho bệnh nhân. Thời gian bắt đầu được sơ cứu không chỉ quyết định cơ hội sống còn mà còn ảnh hưởng đến việc nạn nhân có bị di chứng sau này hay không. Việc để họ trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở quá lâu có thể khiến cơ thể bị thiếu ôxy, cụ thể là thiếu ôxy não gây những di chứng về não bộ dù có được cứu sống.

Đừng quên các chi tiết nhỏ

BS Huy hướng dẫn cách thực hiện ép tim đúng cách: trên 100 lần/phút, sâu khoảng 3-5 phân, vị trí ép là điểm giao nhau giữa đường nối từ xương ức xuống rốn và đường nối giữa 2 đầu ngực. Nên ép tim 30 lần rồi thổi ngạt 2 lần. Trong trường hợp sơ cứu cho người lạ và sợ động tác thổi ngạt có thể khiến lây nhiễm bệnh, có thể chỉ ép tim không cũng được vì ép tim mới là động tác quan trọng nhất. Khi tim nạn nhân được hồi sinh thì các hoạt động sống khác, ví dụ như hô hấp, mới có thể “khởi động” lại được.

BS Vũ khuyên rằng khi sơ cứu, dù tình huống gấp rút cũng đừng quên những điều tưởng như là tiểu tiết nhưng lại ảnh hưởng đến kết quả của việc ép tim, thổi ngạt. Ví dụ như ở người bị đuối nước, trước khi thổi ngạt nên chú ý xem trong cổ họng nạn nhân có bị mắc dị vật làm tắc nghẽn đường thở không; ở người bị điện giật nhất thiết phải ngắt nguồn điện trước, sau đó đấm một cú mạnh vừa phải vào ngực trái - vị trí tim - của nạn nhân vì đa số người bị điện giật bị rung thất khi dòng điện đi qua tim và cú đấm sẽ giúp giải quyết tình trạng đó...

Hồi sinh tim phổi: Ít nhất 20-30 phút

Theo BS Võ Quang Huy, các bác sĩ thường thực hiện hồi sinh tim phổi cho nạn nhân từ 20-30 phút nếu tim họ vẫn chưa đập lại và khuyến cáo người sơ cứu nên lưu ý mốc thời gian này trước khi “buông tay”. Tuy nhiên, thời gian này vẫn có thể xê dịch tùy vào tình trạng ở nạn nhân. Ví dụ, một người quá lớn tuổi, mắc nhiều bệnh, sức khỏe hiện đã yếu lắm rồi thì chỉ thực hiện đến mốc này vì có làm thêm nữa cũng không có hy vọng. Còn ở người trẻ tuổi, đang khỏe mạnh, nhất là trẻ em, các bác sĩ thường thực hiện hồi sinh tim phổi lâu hơn, thậm chí có ca đến 1-2 giờ vì họ có cơ hội sống cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Thư (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN