HN: Thêm một bé gái 4 tuổi uống nhầm dầu máy

Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận cháu N.N.A, 4 tuổi, ở Lạc Trung, Hà Nội uống nhầm dầu máy khâu đựng trong chai Lavie.

BS Phạm Văn Hưng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, theo lời mẹ bé A., gia đình đựng dầu máy khâu ở trong chai Lavie. Bé Ngọc A. tưởng chai dầu máy khâu là chai nước nên đã mở ra uống.

Thấy con kêu, gia đình chị chạy lại mới phát hiện bé uống nhầm chai dầu máy khâu. Bé A. được bố gây nôn bằng phương pháp móc họng. Tuy nhiên, thấy con vẫn ho sặc sụa nên gia đình đưa bé A vào Bệnh viện Bạch Mai.

Sau khi thăm khám lâm sàng, bé Ngọc A. tỉnh, không sốt, không khó thở… kết quả XQ tim phổi thấy mờ rốn phổi phải.

HN: Thêm một bé gái 4 tuổi uống nhầm dầu máy - 1

Một trường hợp uống nhầm dầu hỏa tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai

Bác sỹ Phạm Văn Hưng, người trực tiếp điều trị cho biết, bé A. có dấu hiệu tổn thương phổi và đang được điều trị theo phác đồ viêm phổi.

Theo bác sĩ Hưng, trong tình huống này, các bậc phụ huynh tuyệt đối không nên gây nôn vì dầu là chất bay hơi. Việc gây nôn sẽ dẫn đến dầu thấm vào kẽ phổi nhanh hơn.

“Với trường hợp này, cần thiết đưa bé đến ngay bệnh viện để các bác sỹ tìm các biện pháp xử lý phù hợp. Nếu uống lượng nhiều có ảnh hưởng nặng nề đến chức năng thần kinh thì sau khi đặt nội khí quản kiểm soát đường thở rồi rửa dạ dày theo chỉ định và dưới sự theo dõi chặt chẽ của nhân viên y tế”, bác sĩ Hưng nói.

Cách đây 1 tuần, Khoa Nhi cũng tiếp nhận bệnh nhi nhập viện do nhỏ nhầm cồn 90 độ vào mũi.

BS. Nguyễn Thành Nam, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, khoa rất hay nhận các trường hợp uống nhầm dầu máy khâu, uống nhầm nước rửa tay, nhỏ nhầm cồn vào mũi, uống nhầm dầu máy khâu, nước rửa tay… do người lớn để dung dịch vào chai nước khoáng.

Có thời điểm trong vòng 3 tuần liên tiếp, Khoa Nhi nhận vào 3 bệnh nhân khoảng 3 - 4 tuổi nhập viện do ngộ độc xăng, dầu hỏa. Nguyên nhân cũng do người lớn chứa xăng dầu trong vỏ chai nước ngọt, để trẻ con uống nhầm.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, BV Bạch Mai cũng cảnh báo, Khoa từng tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện do ngộ độc hóa chất nặng gây suy đa phủ tạng, bỏng niêm mạc tiêu hóa, nguy cơ tử vong cao.

Do đó, chuyên gia cảnh báo, những trẻ uống phải xăng, dầu hỏa; nhập viện trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, nôn, ho nếu ở mức độ nhẹ, uống ít có thể được tống ra ngoài theo đường tiêu hóa. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp uống xăng, dầu hỏa có thể gây viêm phổi bởi bệnh nhân dễ dàng hít phải hơi độc của hóa chất. Hơi độc vào phổi gây tổn thương phế nang. Nếu cộng thêm tình trạng sặc hóa chất vào phổi thì tổn thương, viêm phổi càng nặng nề hơn.

Vì vậy, các bác sĩ khuyên các bậc cha mẹ không nên tận dụng chai nước khoáng, chai lọ cũ để chứa các dung dịch khác nhau vì điều này rất dễ gây nhầm lẫn khi uống, có hại cho sức khỏe của trẻ.

Khuyến cáo khi trẻ uống nhầm axít, xăng dầu, chất tẩy rửa

Với các hóa chất bay hơi, dung dịch tẩy rửa gây ăn mòn mạnh như: Axit, bazơ hoặc xăng dầu… người lớn không được gây nôn cho trẻ. Nếu gây nôn, khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản. Trẻ dễ bị viêm phổi là do hơi của các hóa chất này xâm nhập đường hô hấp.

Trước khi tới viện, có thể cho trẻ uống vài ngụm nước lọc nếu hóa chất gây bỏng rát trong cổ họng. Cho trẻ uống từ từ nhằm tránh sặc nước khiến tình hình nghiêm trọng hơn.

(PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, BV Bạch Mai).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN