Hắt hơi, sổ mũi có thể gây biến chứng cực kỳ nguy hiểm

Sự kiện: Thời sự

GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, gần đây có một tỉ lệ virus cúm liên quan đến sự biến đổi gen mới xuất hiện, đặc biệt có độc lực rất cao.

Hắt hơi, sổ mũi có thể gây biến chứng cực kỳ nguy hiểm - 1

Trẻ có thể nhập viện do cúm mùa xuất nhiện khi thời tiết chuyển rét. 

Ngày 23/11, Cục Y tế Dự phòng cảnh báo, bệnh cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính xuất hiện quanh năm và nhiều hơn khi thời tiết chuyển sang mùa đông-xuân, thời tiết trở lạnh. Phòng chống cúm là vấn đề không đơn giản.

Liên quan đến bệnh cúm với các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, tưởng chừng đơn giản, GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, bệnh cúm lây qua đường thở, con người không thể sống mà không thở. Do đó, phòng bệnh cho các trường hợp lây qua hô hấp là rất khó, Khi đến chỗ đông người, chỉ cần một người trong số đó có các biểu hiện cúm (hắt hơi, sổ mũi) virus cúm sẽ đi theo các giọt bắn nhỏ của nước bọt ấy có thể văng xa nhiều mét. Con người đi qua hít phải cũng không biết.

Theo GS Bình, những người bị cúm, nên hạn chế đến chỗ đông người, đeo khẩu trang đúng quy cách – đây là việc làm tưởng chừng đơn giản nhưng nhiều người lại không thực hiện. Khi bị cúm (ho, hắt hơi) làm nhiều người xung quanh hít phải, rất đáng lo ngại.

Trưởng khoa Hồi sức tích cực cũng lưu ý các đối tượng mắc bệnh đái tháo đường, hoặc người có dùng thuốc ức chế miễn dịch… cần chủ động tiêm phòng cúm trước khi mùa đông đến. Bởi đây là phương pháp rất hiệu quả.

Cũng theo bác sĩ Bình, mặc dù tỉ lệ bệnh nhân nặng không nhiều - trong số hàng nghìn người bị cúm chỉ có một vài bệnh nhân nặng, song tỉ lệ tử vong lại rất cao.

“Tuy các triệu chứng đơn giản như sốt, sổ mũi, nhức đầu, ho… có thể tự khỏi nhưng gần đây có một tỉ lệ nhất định liên quan đến sự biến đổi về gen của các loại virus cúm mới xuất hiện, đặc biệt có tính độc lực rất cao”, bác sĩ Bình thông tin.

Trưởng khoa Hồi sức tích cực phân tích, các loại cúm A như cúm A/H5N1, A/H1N1 có liên quan đến sự di chuyển của virus cúm. Lẽ ra những chủng virus cúm này gây bệnh trên động vật nhưng đến giờ lại lây sang người, trong khi con người chưa có sự chống đỡ, khiến phổi bị phá hủy, đồng thời gây ra suy đa tạng.

GS.TS Nguyễn Gia Bình kể về trường hợp đặc biệt nặng, là nữ công nhân ở nhà máy xi măng Cẩm Phả, Quảng Ninh. Chị bị cảm cúm thông thường, nhưng do đang có thai tháng cuối cùng cho nên ngại đi khám và chỉ uống paracetamol ở nhà. Sau này bệnh nhân không thở được mới đến bệnh viện trong tình trạng hết sức nguy kịch, phải đặt hỗ trợ máy thở.

“Sản phụ nói với tôi rằng, sau một “giấc ngủ” dài khi tỉnh dậy thì mới biết hai mẹ con vẫn còn sống, trong khi xung quanh mọi người khóc hết nước mắt”, GS Bình chia sẻ.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh; Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN