Hái mận, bé trai bị rắn cắn nguy kịch

Sau khi bị rắn cắn, bệnh nhi được sơ cứu, cắt lể, băng bó thuốc nam nhưng vết hoại tử cứ lan rộng.

Ngày 25/3, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM cho biết vừa cứu sống bé trai V. T. C (8 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh) bị rắn lục cắn. Tại bệnh viện, bé C. có biểu hiện rối loạn đông máu nặng, sưng bầm, chảy máu vết thương rắn cắn, lan rộng xung quanh bàn chân trái lên trên đùi nên được truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu.

Tuy nhiên, sau 6 giờ, tình trạng vẫn không cải thiện, vết thương sưng bầm tiếp tục lan lên đến đùi hông trái, bệnh nhi bị rối loạn đông máu nặng nên được truyền tiếp liều thứ 2 huyết thanh kháng nọc rắn lục tre đặc hiệu. Kết quả sau hơn 3 ngày điều trị, tình trạng bé C. đã ổn định, bớt sưng, bớt đau, hết chảy máu. Bệnh nhi được điều trị oxy cao áp để giảm thiểu tổn thương sưng bầm hoại tử.

Hái mận, bé trai bị rắn cắn nguy kịch - 1

Con rắn lục cắn bé trai suýt chết. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Cách hôm nhập viện một ngày, bé C. trèo hái mận trong vườn thì bất ngờ bị con rắn lục đuôi đỏ cắn ở gót chân trái. C. la lên kêu cứu, người nhà chạy ra vườn và bắt được con rắn lục đuôi đỏ, đồng thời sơ cứu cột ga-rô rồi đưa bé đến thầy thuốc nam ở địa phương cắt lể, bó thuốc. Hôm sau, C. vẫn mệt thêm, đau nhức, vết sưng bầm lan rộng nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Hái mận, bé trai bị rắn cắn nguy kịch - 2

Bé trai suýt chết vì rắn cắn. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1, lưu lý bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần theo dõi sát như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất là trong 6 giờ đầu. Đặc biệt, khi bị rắn độc cắn, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu ngay và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ng.Thạnh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN