Đuối cạn - 'Sát thủ' mùa hè nguy hiểm không kém đuối nước

Sự kiện: Sống khỏe

Thời tiết oi bức ngày hè khiến nhiều gia đình tìm đến các bể bơi, ao hồ hay sông biển để giải nhiệt. Không ít trường hợp đuối nước vẫn diễn ra hàng năm vào thời điểm nắng nóng. Nguy hiểm là mọi người thường chỉ nghĩ đến đuối nước, ít ai biết đến đuối cạn và những nguy cơ khi mải mê ngâm mình ở bể bơi.

Đuối cạn - 'Sát thủ' mùa hè nguy hiểm không kém đuối nước - 1

Những dấu hiệu đuối cạn hoặc đuối nước thứ phát không dễ dàng phát hiện, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Tình trạng này xảy ra khi trẻ bị đuối nước nhưng không phải trong bể bơi hay sông biển mà ở trên cạn, sau nhiều giờ rời môi trường nước.

Chuyên gia sức khỏe thể thao, tiến sĩ Lewis Maharam cho biết hội chứng “đuối cạn” hay “đuối nước thứ cấp” khiến nhiều trẻ ở Mỹ nhập viện mỗi năm. Chuyên gia này cảnh báo chỉ cần trẻ hít phải một lượng nước nhỏ vào bên trong phổi cũng có thể gây ra hiện tượng này.Đuối cạn xảy ra khi trẻ đang chơi đùa trong nước thì vô tình bị sặc nước hoặc suýt chết đuối mà được cứu sống. Sau những cơn ho sặc, trẻ tưởng như không sao và trở lại vui chơi, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên nhiều giờ sau, cha mẹ có thể quan sát thấy biểu hiện ho, khó thở, khò khè với những bóng nước trong miệng.

Nguyên nhân là do chất lỏng tích tụ bên trong phổi ban đầu chưa biểu hiện triệu chứng. Về sau, phổi bị kích thích tiết ra dịch và dẫn tới hiện tượng phù phổi, làm trẻ khó thở hoặc không thể thở được, có thể gây tổn thương não.

Tình trạng nguy hiểm này thực chất không được nhiều người biết đến. Kênh truyền hình CBS News đã thực hiện khảo sát tại bể bơi với nhiều phụ huynh song phần lớn đều mới nghe lần đầu. Một số bà mẹ còn rất sốc khi biết con em mình có thể đuối nước sau khi đã rời bể bơi gần 1 ngày.

“Đây là lý do việc tuyên truyền về hội chứng này là vô cùng quan trọng”, tiến sĩ Maharam lo ngại.

Các triệu chứng của bệnh cảnh đuối cạn bao gồm khó thở, đau tức ngực, ho, mệt lả. Cha mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ tới phòng cấp cứu để thực hiện các kiểm tra nếu phát hiện các triệu chứng sau khi trẻ có vui chơi dưới nước trong ngày. Thời gian là yếu tố rất quan trọng trong điều trị đuối cạn, nhất là để can thiệp nội khoa khi trẻ phù phổi.Tình trạng đuối cạn không phổ biến ở tất cả trẻ em và xác suất càng thấp hơn ở người trưởng thành. Tuy nhiên, cha mẹ không nên chủ quan lơ là khi đưa trẻ đi bơi. Cách phòng tránh đuối cạn tốt nhất luôn là sự giám sát chặt chẽ của người lớn. Kế đến, cha mẹ cần cho trẻ học bơi bài bản để rèn luyện phản ứng trong môi trường nước.

Một ngụm nước cũng có thể dẫn đến tử vong

Các chuyên gia y tế cho biết, không chỉ chết đuối thứ cấp, mà suy hô hấp do phù phổi cấp, khó thở, tán huyết… cũng có thể gây nên những cái chết đuối khô trong vòng 1 - 72 giờ sau khi gặp nạn.

Khi rơi xuống nước, hoặc khi bơi lội vẫy vùng, nạn nhân thường dễ bị hít nước vào phổi. Nước đó qua phế quản vào các phế nang (làm mất chất giữ cho các phế nang không xẹp xuống khi thở ra), gây tổn thương màng phế nang, mao mạch và phù phổi cấp tổn thương (còn gọi là hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển). Với chứng suy hô hấp trên cạn này, người gặp nạn lên bờ tim chưa bị chậm nhịp, vẫn thở được với lượng nước ít đọng trong phổi (do chưa loại bỏ hết nước ra khỏi cơ thể), có thể đi bộ và nói chuyện được, nhưng yếu. Lượng nước đọng dần có thể lấp khoảng trống chứa ôxy của phổi (chưa kể mối họa từ các hóa chất hồ bơi, bồn tắm nước nóng...), khiến giảm khả năng ôxy hóa máu. Chứng phù phổi cấp tổn thương khiến nạn nhân mới bị suy hô hấp nhẹ, thở nhanh, tức ngực, mạch nhanh, huyết áp có thể hơi tăng… Nếu người nhà thấy các dấu hiệu đó mà nhanh chóng đưa vào bệnh viện các bác sĩ có thể cứu được nạn nhân và không để lại di chứng nặng nề. Nhưng nếu không phát hiện, phổi tổn thương sẽ tiến triển thành phù phổi suy hô hấp, khiến nạn nhân tím tái, khó thở nhiều hơn, mạch nhanh, giật ở các đầu chi, miệng sùi bọt hồng, trắng, vùng phổi có tiếng rales ẩm… và sớm tử vong.

Viêm phổi cũng hay gặp sau đuối nước. Nguyên nhân do nạn nhân hít nước bẩn nên vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng ào vào cơ thể sẽ gây tổn thương thũng phổi, viêm phổi nhiều hơn (hít nhiều nước còn gây co thắt thanh môn, khởi phát cơn hen và các bệnh lý phổi mạn tính). Viêm phổi thường tiến triển trong 24 giờ sau cấp cứu đuối nước, với các dấu hiệu: Nạn nhân rất mệt, khó thở, đau ngực, ho, sốt… Cần nhanh chóng đưa đi bệnh viện để các bác sĩ cứu chữa kịp thời.

Triệu chứng tán huyết sau khi ra khỏi nước là do nạn nhân uống một lượng nước lớn vào máu, sẽ làm giảm áp lực thẩm thấu máu gây tán huyết, vỡ hồng cầu gây mệt mỏi, đau đầu, nôn, nước tiểu có màu đen… Chứng rối loạn điện giải với các triệu chứng đau đầu, buồn nôn, nôn, phù… cũng có thể gặp. Nguyên nhân do khi bơi lội nếu ở biển thì nước mặn vào máu, khiến lượng muối trong máu sẽ tăng (nếu bơi ở ao hồ, sông suối nước ngọt vào cơ thể làm loãng máu, gây hạ muối Natri trong cơ thể. Nếu rơi xuống nước ở vùng nước lạnh có nhiệt độ thấp còn bị hạ thân nhiệt, gây các rối loạn nhịp tim, rối loạn chuyển hóa, thở chậm, thậm chí ngừng thở, tụt huyết áp, hôn mê và tử vong.

Biểu hiện sớm của chứng chết đuối thứ cấp

 Giải thích về hiện tượng trên, TS. BS Vũ Đức Định (Bệnh viện E, Hà Nội) cho rằng, chỉ một chút nước cũng có thể gây chết đuối thứ cấp. Do đó nếu thấy người đi bơi rơi xuống nước suýt chết đuối, hoặc bị sặc nước, nuốt quá nhiều nước (nhất là trẻ em) thì người thân hãy chú ý quan sát. Nếu trong vòng 1 - 72 giờ mà phát hiện các dấu hiệu:

- Mệt mỏi quá mức sau khi tắm.- Cảm thấy khó thở sau khi tắm.- Người ngoài có thể nhận thấy biểu hiện khó chịu, thay đổi tâm trạng đột ngột (cáu gắt, hung hăng không rõ nguyên nhân). Hoặc ho dữ dội, mệt lả một cách bất thường, hành vi bất thường liên quan đến chức năng não (nói lắp, chậm chạp lờ đờ, thiếu nhận thức…) cần đưa đến bệnh viện sớm.

Trong vòng 72 giờ sau khi suýt đuối nước, hoặc bơi về nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, tức ngực, tím, mạch nhanh, khó thở… cần sơ cứu và gọi 115, hoặc đưa đi bệnh viện cấp cứu sớm.Nếu con bạn gắng sức hoặc có những vấn đề khi ở dưới nước, hãy chú ý tới các dấu hiệu trên vì nó có thể xuất hiện vài giờ sau đó. Đuối cạn và đuối nước thứ phát thường xuất hiện trong khoảng 1-24 giờ sau một gắng sức trong nước. Vì thế, nếu bạn nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào ở trên, hãy tới phòng cấp cứu ngay lập tức. Thời gian là yếu tố quan trọng trong điều trị đuối cạn.

Có thể phòng tránh được không?

An toàn với nước là cách phòng tránh tốt nhất. Nhắm chặt mắt khi bơi không có kính mắt bảo vệ và khi trẻ em ở dưới nước, dạy người bơi thổi nước ra, biết giới hạn của mình và không hoảng loạn trong nước.

Cần nhấn mạnh rằng không có sự thay thế nào cho sự giám sát tốt của cha mẹ khi trẻ em ở xung quanh nước, có thể là bể bơi hoặc một hồ nước tự nhiên. Đuối nước vẫn là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt với trẻ em. Để phòng tránh đuối nước, chúng ta phải biết cách hồi sinh tim phổi, dạy trẻ em bơi và biết cách giữ an toàn với nước và đặt một hàng rào kín xung quanh bể bơi để phòng tránh trẻ em bị ngã xuống do tai nạn.

Sơ cứu đuối nước dễ thực hiện

- Khi đưa nạn nhân ra khỏi nước cần vác lên vai, hai chân phía trước, đầu chúc ra sau cho nước trong phổi chảy ra. Làm động tác này chỉ 5 – 10 giây.
- Đặt nạn nhân nằm xuống, kiểm tra mạch còn đập hay không rồi vừa hà hơi thổi ngạt, vừa nhấn cho tim đập lại và khẩn trương gọi người cấp cứu, cứu hộ.
- Nạn nhân chưa tỉnh lại thì không nên dừng hô hấp và hỗ trợ tim, vì dừng lại và đưa đi cấp cứu là nạn nhân rất có thể bị tử vong. Triệt để giúp bệnh nhân tỉnh lại, ổn định rồi hãy đưa đi cấp cứu. Hoặc vừa đưa đi, vừa tiếp tục sơ cứu để nạn nhân nhanh tỉnh lại.

TS Phạm Anh Tuấn

Sốc: Bé trai đuối nước nổi bồng bềnh ở bể bơi, du khách vẫn không hề biết

Bé trai bị đuối nước nổi bồng bềnh ở bể bơi gần 3 phút người dân mới phát hiện ra và đưa lên bờ sơ cứu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trang Thu (Tiền Phong)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN