Dừng khẩn cấp việc mua bán thuốc cam

Gần đây nhất là Cháu Đinh Ngọc Diệp nhập viện ở BV Bạch Mai đã tử vong ngay sau khi ra viện. Nguyên nhân là nhiễm chì trên 81% và theo chị Đỗ Thị Thúy mẹ cháu bé thì trước đó cháu Diệp chỉ uống thuốc cam của nhà anh Thắng.

Từ vụ việc bé gái 1 tuổi Đinh Ngọc Diệp tử vong, hai bé trai là Nguyễn Chí Khánh và Đinh Thế Phúc cùng ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội nhập viện vì nhiễm chì quá nặng có trong thuốc cam mà các cháu đã uống, kéo theo hàng chục cháu nhỏ ở địa phương này được gia đình đưa đến BV Bạch Mai xét nghiệm vì trước đó các cháu cũng đã uống thuốc cam của gia đình anh Thắng ở huyện Thạch Thất.

Sau khi sự việc đáng tiếc xảy ra, ông Nguyễn Đăng Hậu - Trưởng Phòng y tế huyện Thạch Thất khẳng định: "Gia đình anh Thắng ở xóm Bãi, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất làm nghề sản xuất, buôn bán thuốc nam từ nhiều năm nay nhưng không có giấy phép kinh doanh của cơ quan chức năng, Phòng y tế huyện Thạch Thất đã nhiều lần đến tận nhà kiểm tra và đã đình chỉ hoạt động (!?)".

Dừng khẩn cấp việc mua bán thuốc cam - 1

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng trao đổi với PV. Ảnh: Lê Mận

Tuy nhiên, PV, đã có chuyến mục sở thị tận nhà thầy lang Thắng,  bên trong nhà vẫn người ra vào mua thuốc khá đông, nghĩa là thầy lang Thắng vẫn buôn bán thuốc bình thường, thuốc của thầy lang Thắng không hề có ngày sản xuất, không có hạn sử dụng, cũng không có chỉ dẫn hay nguyên liệu chế biến. Các loại thuốc đã chế biến được cho vào các vỏ hộp, khách đến mua thì được thầy lang Thắng trộn nhiều loại bột hoặc viên vào với nhau, gói thuốc vào tờ giấy rồi nói luôn cách dùng bằng miệng.

Ngày 17-7, cháu Đinh Ngọc Diệp nhập viện ở BV Bạch Mai đã tử vong ngay sau khi ra viện. Nguyên nhân là nhiễm chì trên 81% và theo chị Đỗ Thị Thúy mẹ cháu bé thì trước đó cháu Diệp chỉ uống thuốc cam của nhà anh Thắng. Để tìm hiểu rõ xung quanh vụ việc này, PV đã có buổi làm việc với PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai nơi bé Đinh Ngọc Diệp điều trị, ông Dũng cho biết: "Cháu Đinh Ngọc Diệp được chuyển từ Trung tâm chống độc của BV Bạch Mai xuống khoa Nhi khi tình trạng nhiễm chì quá nặng, chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức nhưng không cứu chữa được. Sau đó gia đình xin về và cháu đã tử vong do nhiễm chì và chất chì đó chỉ có ở trong thuốc cam vì nhà cháu bé đó đã mua thuốc cam cho uống thì chỉ có chì ở trong thuốc cam.

Thời gian gần đây tháng nào cũng có trẻ nhập viện vì nhiễm chì trong thuốc cam và số ca nhập viện ngày càng tăng cao, đa số là những bệnh nhân nhiễm chì nặng, có triệu chứng lâm sàng mới đưa vào viện. Chúng tôi cũng đã phối hợp với Trung tâm chống độc, tuyên truyền phổ biến cho các BV vệ tinh được biết để ngăn chặn tình trạng trẻ bị nhiễm chì do thuốc cam gây ra".

"Với tình hình hiện tại và qua vụ việc của cháu Diệp và nhiều cháu nhỏ khác nhiễm chì có trong thuốc cam, tôi rất mong các cơ quan báo chí vào cuộc "làm mạnh" vấn đề nhức nhối này. Theo luật của Nhà nước đã đề ra khi không có giấy phép hành nghề thì thuốc cam của anh bán có nhiễm chì hay không nhiễm chì thì các cơ quan chức năng vẫn có quyền cấm cơ sở đó hoạt động.

Các cơ quan có thẩm quyền phải quản  lý những cơ sở sản xuất, lưu hành, buôn bán thuốc. Cho dù là thuốc gia truyền hay là thuốc gì cũng phải có đăng ký kinh doanh, phải có báo cáo rõ ràng. Nếu không thì phải xử lý nghiêm và triệt để tránh tình trạng xấu xảy ra. Vào khoảng cuối năm 2012, BV Bạch Mai sẽ có buổi hội thảo với các chuyên gia của Mỹ nói về vấn đề ngộ độc chì". PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm.

PGS Dũng nhấn mạnh: "Vấn đề quản lý các cơ sở kinh doanh thuốc nằm trong tầm tay của cơ quan chức năng. Đừng để việc bán thuốc cam nhiễm chì tràn lan như thế này. Chúng ta là người của Nhà nước chúng ta phải bảo vệ nhân dân, bảo vệ các cháu nhỏ là búp măng non, là tương lai của đất nước".

"Các bậc phụ huynh không nên cho con dùng thuốc cam. Những gia đình đã cho con uống thuốc cam không rõ nguồn gốc thì nên đưa các cháu đến khám chữa bệnh càng sớm càng tốt",  PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Mận (Pháp luật và Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN