Dồn dập nhập viện do viêm phổi

Chỉ riêng Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, những ngày gần đây đã tiếp nhận trên 500 trường hợp cấp cứu do viêm phổi mà phần lớn là người cao tuổi

Thời tiết tại TP HCM những ngày qua thay đổi thất thường, trời chuyển từ lạnh sang nóng khiến nhiều người gặp vấn đề về sức khỏe, trong đó đáng quan ngại là các trường hợp viêm phổi cấp tính.

Nguy kịch vì chủ quan

Là một chủ vườn mai lớn, ông Đ.V.T (69 tuổi, ngụ Tiền Giang) suốt ngày bận rộn chăm sóc cây cảnh ngoài vườn. Vào những ngày giáp Tết, cường độ làm việc tăng lên nên ông có ít thời gian nghỉ ngơi. Do năm nay mưa nắng thất thường, lại chôn chân ở vườn mai khiến sức khỏe sa sút rõ rệt, ông cảm thấy mệt, ho. Tưởng bị cảm xoàng nên ông T. tự mua thuốc uống. Thế nhưng, chẳng những bệnh không bớt mà càng trở nặng, làm ông khó thở, mệt nhiều. Vào đúng ngày cuối năm, sức khỏe ông T. trở nên nguy kịch, phải nhập viện cấp cứu và được các bác sĩ xác định bị viêm phổi cấp, phải được trợ thở ôxy liên tục. “Không có dấu hiệu sốt nên tôi tưởng chỉ bị cảm nặng do mưa nắng chứ không nghĩ là viêm phổi tới mức đó” - ông T. nhớ lại.

Đây là trường hợp điển hình viêm phổi cấp trong cộng đồng. Tại các bệnh viện (BV) lớn trên địa bàn TP HCM như Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Nguyễn Tri Phương…, số bệnh nhân đang điều trị do viêm phổi cấp khá đông, đa số là người lớn tuổi. Theo TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, từ những ngày giáp Tết đến nay, trong số 1.200-1.400 trường hợp nhập viện điều trị thì 10% là bệnh nhân viêm phổi.

Đáng chú ý, Khoa Cấp cứu BV Đại học Y Dược đã tiếp nhận hơn 500 ca viêm phổi mà phần lớn là người lớn tuổi. BS-CKI Nguyễn Viết Hậu, Phó Khoa Cấp cứu BV Đại học Y Dược, cho biết ở người lớn tuổi, sức đề kháng giảm, phản ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng cũng ít rầm rộ, thường không sốt, không ho, đôi khi chỉ ho ít và ớn lạnh như cảm cúm thông thường. Điều này dễ làm người bệnh và thân nhân lơ là, dẫn đến những hệ lụy khó lường.

Dồn dập nhập viện do viêm phổi - 1

Bệnh nhân viêm phổi được khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM

Bệnh phát âm thầm, diễn tiến nhanh

Theo ThS-BS Cao Văn Hội (Khoa Hô hấp BV Nguyễn Tri Phương), viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng tại phổi. Đây là một bệnh lý nghiêm trọng có thể gặp ở mọi người, từ sơ sinh đến người lớn tuổi. Tuy nhiên, viêm phổi rất nguy hiểm ở trẻ em, người trên 65 tuổi và người có bệnh lý mạn tính đi kèm như tim mạch, tiểu đường và bệnh phổi mạn tính. Viêm phổi hay xảy ra vào các tháng mưa ở miền Nam hay mùa đông ở phía Bắc; bệnh càng thường gặp ở người hút thuốc lá.

Viêm phổi có nhiều tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn và nấm, trong đó virus là nguyên nhân của khoảng 20% số trường hợp. Nấm rất hiếm khi gây viêm phổi trên bệnh nhân khỏe mạnh, tuy nhiên ở những người có suy giảm miễn dịch thì nguy cơ là khá cao. Khi trở nặng, bệnh này có thể gây tử vong nếu không được chữa trị kịp thời, đặc biệt là ở người trên 65 tuổi, người nghiện rượu, có bệnh lý nội khoa đi kèm hay có hệ thống miễn dịch bị suy yếu.

PGS-TS-BS Lê Tiến Dũng, Trưởng Khoa Hô hấp BV Đại học Y Dược, khuyến cáo khi thời tiết thay đổi đột ngột, quá nóng hay quá lạnh, hay lúc thời tiết chuyển mùa thường có dịch bệnh nhiễm siêu vi cúm và sau đó là viêm phổi, nhất là ở người già, người có nhiều bệnh hay sức đề kháng kém. Người già khi đã mắc bệnh viêm phổi thì triệu chứng bệnh thường âm thầm, phức tạp nhưng diễn tiến nhanh và có nhiều biến chứng nặng. Việc điều trị cũng khó khăn, kéo dài vì người già thường có các bệnh mạn tính đi kèm. “Do vậy, việc phòng bệnh viêm phổi khi thời tiết thay đổi đột ngột là rất quan trọng nhằm ngăn ngừa tối đa mức độ tăng nặng của bệnh và biến chứng có thể gây tử vong” - bác sĩ Dũng lưu ý.

Những điều cần lưu ý

Người già, người có nhiều bệnh, người suy giảm sức đề kháng cần lưu ý phòng bệnh viêm phổi khi giao mùa, gồm: rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn uống và sau khi đi đại tiện, xì mũi, hắt hơi; dùng nước sạch hằng ngày, luôn bảo đảm một ngày bổ sung từ 1,5 - 2 lít nước; tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá; giữ gìn môi trường sạch sẽ, thoáng mát; giữ cơ thể đủ ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè; bổ sung dinh dưỡng phù hợp để tăng cường hệ miễn dịch; tiêm phòng vắc-xin cúm hoặc phế cầu ở những người có chỉ định, đặc biệt ở những trường hợp có bệnh phổi mạn, suy tim, cắt lách, tuổi trên 65 nhằm dự phòng bệnh viêm phổi, các chứng viêm nhiễm đường hô hấp ở người già; kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim, tiểu đường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Hạnh (Người lao động)
Bệnh ho Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN