Đi biển, tránh xa những loại hải sản 'sát thủ' này

Sự kiện: Sống khỏe

Theo số liệu công bố của Viện Hải dương học Nha Trang, 39 loài sinh vật biển có chứa chất độc có khả năng gây chết người tại vùng biển Việt Nam. Đáng sợ nhất là cá nóc chuột vằn tập trung một lượng chất độc khủng khiếp, cứ 100g trứng có thể giết chết 200 người.

Đi biển, tránh xa những loại hải sản 'sát thủ' này - 1

Mực đốm xanh, loài hải sản cực độc. Ảnh minh hoạ: Internet

Chạm vào cũng nhiễm độc 

Trong số 39 loài sinh vật có chứa chất độc do Viện Hải dương học Nha Trang công bố, có 22 loài cá, một loài mực tuộc, hai loài ốc, ba loài cua, một loài sam và 10 loài rắn biển. Ngoài ra còn có hai loài cá nóc nước ngọt mới được phát hiện ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, tổng cộng là 41 loài sinh vật độc.

Đa số những loài sinh vật độc hại nói trên đều có ở vùng biển nước ta , từ vịnh Bắc Bộ đến vịnh Thái Lan, như các loài cá nóc, cá bống vân mây, loài so và rắn biển, nhưng cũng có một số loài như ốc biển, cua, mực đốm xanh… chỉ mới gặp ở vùng biển miền Trung và Đông Nam Bộ.

Phần lớn những loài này sống cả ở ngoài khơi và vùng ven bờ, các vùng vịnh, đầm phá, các cửa sông lớn… Riêng hai loài cá nóc nước ngọt được xác định là cá nóc chấm xanh (Chelonodon nigroviridis) và cá nóc mắt đỏ (Carinotetraodon lorteti) mới chỉ phát hiện được ở đồng bằng sông Cửu Long.

Những loài hải sản độc này có thể gây hại cho con người theo hai cách chính: qua đường tiêu hoá do các món ăn chế biến từ cá và hải sản và qua phản ứng tự vệ của con vật khi ta vô tình chạm vào chúng, bị chúng căn, chích hoặc phóng tên độc.

Đi biển, tránh xa những loại hải sản 'sát thủ' này - 2

Cá nóc, loài hải sản có chất độc gây chết người. Ảnh: Internet

Trong 41 loài sinh vật độc trên có 5 loại cực độc là: Cá nóc răng mỏ chim, cá nóc tro, cá nóc vằn mặt, cá nóc chấm cam, cá nóc chuột vằn mang, trong đó cá nóc chấm cam và cá nóc chuột vằn mang là hai loài độc nhất.

Độc tố có trong cá nóc có tên là Tetrodotoxin, tập trung nhiều ở gan, thận, tuỵ, cơ quan sinh sản (buồng trứng, túi tinh), mắt, mang, da, máu của cá nóc. Độc tính của độc tố tăng mạnh vào mùa sinh sản của cá (từ tháng 2 đến tháng 7). Độc tố cá nóc không có trong thịt cá nóc, tuy nhiên khi đánh bắt, chế biến hoặc cá để ươn, bị dập nát, độc tố ngấm vào thịt cá sẽ gây độc khi dùng. Độc tố cá nóc rất độc, chỉ cần 4 mg thịt cá có độc tố đã giết chết 1 con thỏ 1kg. Với người chỉ cần ăn 10 gam thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc. Chỉ từ 1-2mg độc tố có thể gây chết người.

Độc tố cá nóc có tính bền vững cao. Nếu đun sôi ở 1000 độ C trong 6 giờ độc tố mới giảm một nửa, đun sôi ở 2000 độ C trong 10 phút độc tố mới bị phá huỷ hoàn toàn. Như vậy, nếu chỉ đun nấu thông thường, ngộ độc cá nóc vẫn có thể xảy ra, do độc tố chưa bị phá huỷ hết. Khi phơi khô, chế biến thông thường độc tố chưa bị phá huỷ nên vẫn gây ngộ độc.

Người ăn phải cá nóc có độc tố Tetrodotoxin, sau 5 phút đến 3-4 giờ mới xuất hiện cảm giác ngứa ở miệng; môi, lưỡi tê, khó chịu. Tiếp theo thấy mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, cảm giác như nghẹt thắt lồng ngực, vã mồ hôi, tiết nước dãi, sùi bọt mép, nói khó, nuốt khó, mặt ửng đỏ, đau bụng, buồn nôn, nôn, run giật, cứng hàm, cứng lưỡi, chi dưới yếu, đồng tử co, liệt vận động nhãn cầu.

Trường hợp nặng xuất hiện liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, truỵ tim mạch và tử vong. Tỷ lệ tử vong rất cao (60%) nếu cấp cứu chậm.

Sau cá nóc chuột vằn mang, cá nóc chấm cam (Torquigener gallimaculatus) cũng rất đáng sợ, cứ 100g trứng hoặc gan loài cá này có thể giết chết 60 – 70 người.

Triệu chứng của ngộ độc

 Trong thực tế hầu hết các trường hợp ngộ độc hải sản nặng đều do ăn phải những loài cá biển và hải sản chứa độc tố mạnh. Ngoài ra cũng có một số người bị trúng độc do sờ mó hoặc vô tình chạm vào những loài rắn biển, cá mặt quỉ, mực đốm xanh, ốc cối… nên bị chúng căn, chích hoặc phóng tên độc. Các độc tố của con vật sẽ theo răng hoặc tên độc của chúng phóng ra xâm nhập cơ thẻ người qua vết thương gây ngộ độc

Trường hợp bị nhiễm ít chất độc, bệnh nhẹ: Sau khi ăn phải hải sản độc từ 10 phút đến vài giờ, người bệnh thấy tê môi, lưỡi, miệng, mặt, tê các ngón tay, bàn tay, ngón chân và bàn chân. Đồng thời thấy đau đầu, vã mồ hôi, đau bụng, buồn nôn và nôn, tăng tiết nước bọt…

Trường hợp nặng: Người bệnh mệt lả, yếu cơ, liệt cơ tiến triển nên đi đứng loạng choạng không vững. Tình trạng liệt cơ nặng lên nhanh chóng dẫn đến liệt toàn thân, kể cả hô hấp, khiến người bệnh không thở được, suy hô hấp, ngừng thở, mạch chậm, huyết áp hạ và hôn mê, dẫn đến tử vong.

Trong cơ thể cá và hải sản độc, thường trứng và gan là hai nơi tập trung độc chất cao nhất. Nhưng cũng có những hải sản độc, thịt và da lại là những nơi tập trung độc tố cao hơn cả, như loài cá bống vân mây.

Chất độc của cá này tuy có ở tất cả các bộ phận cơ thể, nhưng tập trung nhiều nhất ở da, cứ 100g da có thể giết chết 9 – 10 người.

Còn đối với ba loài hải sản độc khác là cua hạt, mực đốm xanh và so biển thì tất cả các bộ phận khác nhau của cơ thể chúng đều chứa chất độc. Cũng vì vậy, các nhà khoa học khuyên người tiêu dùng tuyệt đối không dùng các loài hải sản độc chế biến thức ăn dưới bất cứ hình thức nào và với bất cứ bộ phận nào của cơ thể chúng.

Những thực phẩm đại kỵ dễ ngộ độc khi kết hợp với nhau

Những thực phẩm tốt cho sức khỏe khi tiêu thụ riêng rẽ có thể gây ngộ độc khi kết hợp với nhau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quảng An (Tiền Phong)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN