Dễ rước họa vì chủ quan với bệnh trầm cảm

Trầm cảm có rất nhiều cấp độ khác nhau, nhẹ thì đau đầu, mất ngủ, nặng thì ám ảnh, hoang tưởng; Thậm chí nhiều bệnh nhân không phát hiện và điều trị đúng, kịp thời đã có hành vi tự sát…

Trầm cảm nhầm lẫn với động kinh, tâm thần phân liệt

Nếu không được kết nối với BS. Tô Thanh Phương, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, có lẽ không biết khi nào gia đình anh Nguyễn Quang Sơn (Minh Châu, Ba Vì, Hà Nội) lý giải được căn bệnh lạ mà anh mắc phải trong suốt 5 năm qua. Sau ngày đứa con trai duy nhất chết đuối, anh Sơn thường xuyên rơi vào tình trạng giật người lên - xuống huỳnh huỵch, mồm miệng méo xệch, ú ớ kêu, răng nghiến ken két khiến môi miệng nát bấy, ròng ròng máu. Mỗi lần như vậy, vợ anh Sơn chỉ còn biết nhét chiếc khăn vào miệng để anh không tự cắn lưỡi mình. Anh Sơn cũng đã từng đi khám và được chẩn đoán điều trị bệnh động kinh, thế nhưng, bệnh ngày thêm trầm trọng.

Dễ rước họa vì chủ quan với bệnh trầm cảm - 1

Bệnh nhân trầm cảm cần khám bệnh sớm để chữa trị kịp thời. (ảnh minh họa)

Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Tô Thanh Phương cho biết, căn nguyên căn bệnh anh Sơn mắc phải là trầm cảm do bị sang chấn tâm lý mạnh chứ không phải động kinh. Tìm đúng bệnh, có phương án điều trị, chỉ sau hai tháng, anh Sơn đã tỉnh táo, hỏi đáp có ý thức và hiện tại, anh Sơn đã có thể giúp vợ quét nhà, nấu cơm, chăn bò…

Trong câu chuyện của BS. Tô Thanh Phương, được biết phần lớn bệnh nhân đến với ông đều đã từng đi khám và điều trị nhiều nơi nhưng không hiệu quả, khiến bệnh ngày càng trầm trọng. Như trường hợp bệnh nhân nữ N.T.P (Đà Nẵng), vốn là thạc sỹ kinh tế, thế nhưng hơn ba năm nay gia đình đưa chị đi khám nhiều nơi, tất cả cùng chẩn đoán chị mắc bệnh tâm thần phân liệt. Càng điều trị, bệnh tình càng trở nặng.

Theo số liệu thống kê của WHO, hiện nay số người mắc bệnh trầm cảm chiếm 20% dân số thế giới, trong số đó có 5% mắc trầm cảm điển hình (tình trạng ức chế toàn bộ các mặt hoạt động tâm thần như cảm xúc, tư duy, hoạt động). Riêng tại Việt Nam, thống kê sơ bộ số bệnh nhân mắc trầm cảm chiếm khoảng 2,8% dân số.

Xót em gái vốn giỏi giang mà giờ “người không ra người, ngợm chẳng ra ngợm”, anh trai bệnh nhân bỏ việc bên Pháp trở về quyết định tận tay gửi gắm BS. Phương điều trị. Lần theo những thông tin từ gia đình bệnh nhân cung cấp, BS. Phương cho hay, bệnh nhân vốn xuất thân là một thạc sỹ kinh tế giỏi, nhưng qua quá trình công tác bị luân chuyển nhiều vị trí không phù hợp gây ức chế tâm lý, rồi hình thành căn bệnh trầm cảm. Điều đáng mừng, chỉ chưa đầy hai tháng được BS. Phương điều trị, bệnh nhân đã phục hồi tốt.

“Trầm cảm có rất nhiều dạng, nếu không xác định đúng căn nguyên để kịp thời điều trị, bệnh có thể tăng nặng dưới dạng hoang tưởng, loạn thần… Theo thống kê sơ bộ, có tới 80% bệnh nhân trầm cảm nặng có ý định, hành vi tự sát và 15% trong số đó thực hiện thành công hành vi này”, BS. Phương cảnh báo.

“Đừng sợ mang tiếng khi đến viện Tâm thần”

Đó chính là thông điệp mà BS. Tô Thanh Phương gửi gắm tới những người có dấu hiệu sớm của căn bệnh trầm cảm. BS. Phương cho hay, chính việc sợ “mang tiếng” khiến nhiều người bệnh hay tự điều trị thông qua "mách nước" nhau, hoặc khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế đa khoa, khiến điều trị bệnh không hiệu quả, thậm chí tăng nặng, giảm cơ hội chữa khỏi.

“Ngay cả với biểu hiện đau đầu, mất ngủ cũng có thể là dấu hiệu tiền phát của căn bệnh trầm cảm. Có nhiều bệnh nhân mất ngủ trắng đêm 5 năm, 8 năm, thậm chí 12 năm nhưng do không xác định được căn nguyên tình trạng mất ngủ là do trầm cảm, nên thường được chỉ định dùng các loại thuốc an thần, hoàn toàn không mang lại hiệu quả trong điều trị. Sau một stress nào đó gây nên bệnh mất ngủ, bệnh nhân nên đến gặp bác sỹ chuyên khoa Tâm thần để được tư vấn kịp thời, điều trị ngay”, BS. Phương lưu ý.

Hiện nay, đa phần bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh trầm cảm chỉ khi đã có những biểu hiện rõ ràng, nặng nề, do đó rất khó chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Để bệnh nhân có thể sớm phát hiện bệnh, BS. Tô Thanh Phương lưu ý các triệu chứng như: Khí sắc giảm, buồn rầu, nhất là khi tình trạng này kéo dài trên hai tuần; Giảm nhiệt tình, giảm hứng thú với những sở thích trước kia; Giảm năng lượng, luôn thấy người mệt mỏi, chán nản nhất là vào buổi sáng. Ngoài ra, với các biểu hiện như: Chán ăn, từ chối ăn, mất tự tin, rối loạn giấc ngủ có tính chất tăng dần…

“Khi có những dấu hiệu này, bệnh nhân nên chủ động, sớm đến khám ở các bác sỹ chuyên khoa tâm thần, đừng sợ mang tiếng để mất cơ hội điều trị dứt điểm bệnh”, BS. Phương khuyến cáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vũ Anh (Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN